3 tác phẩm văn học Châu Âu nổi bật giới thiệu đến độc giả Việt Nam

3 tác phẩm văn học Châu Âu nổi bật giới thiệu đến độc giả Việt Nam

Ngô Diệu Ly
Thứ Năm, 11/08/2022
Nội dung bài viết

3 tác phẩm văn học Châu Âu nổi bật lấy bối cảnh Thế chiến thứ Hai là “Hiệu sách cuối cùng ở London”, “Một thư viện ở Paris” và “Ký họa Venice” chính thức được giới thiệu với độc giả Việt Nam.

Được biết 2 tác phẩm “Một thư viện ở Paris” và “Hiệu sách cuối cùng ở London” sẽ tập trung khắc họa vai trò của sách trong thời chiến mà ở đó, sách như thứ ánh sáng bừng lên trong màn đêm đen tối của chiến tranh.

Cùng với “Ký họa Venice”, bộ sách rất đáng nhận được sự quan tâm của độc giả, nhất là trong thời khắc chúng ta vừa vượt qua giai đoạn cam go nhất của cuộc chiến chống đại dịch và vẫn tiếp tục cần chữa lành những tổn thất hậu COVID-19.

Hiệu sách cuối cùng ở London

Được truyền cảm hứng từ câu chuyện có thật của số ít hiệu sách còn tồn tại sau cuộc oanh kích của Đức quốc xã, “Hiệu sách cuối cùng ở London” lấy bối cảnh chiến tranh Thế giới thứ Hai nhằm viết nên bài ca về tình bạn, tình yêu đôi lứa và lòng yêu chuộng hòa bình.

Thông qua nhân vật chính là cô gái Grace Bennett, tác phẩm đề cao sức mạnh của văn chương trong việc xoa dịu những mất mát, tổn thương; giúp con người vượt qua giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời.

Với thông điệp nêu cao sức mạnh, “Hiệu sách cuối cùng ở London” đã giành được rất nhiều sự quan tâm và yêu thích của độc giả trên khắp thế giới.

Một thư viện ở Paris

Năm 2010, khi tác giả Janet Skeslien Charles đang làm quản lý chương trình cho Thư viện Hoa Kỳ tại Paris, các đồng nghiệp của bà đã kể cho nghe câu chuyện về những nhân viên can đảm trông giữ thư viện mở cửa trong suốt thời gian chiến tranh Thế giới thứ Hai bùng nổ. Ngạc nhiên trước sự dũng cảm và tận tụy của các thủ thư, bà quyết định viết cuốn tiểu thuyết “Một thư viện ở Paris”.

Tác phẩm cho thấy, dù trong chiến tranh khốc liệt, thư viện vẫn là cầu nối sách giữa các nền văn hóa của các quốc gia, và văn chương luôn có sức mạnh cứu rỗi con người, mang chúng ta đến gần nhau hơn.

Nhân vật chính trong truyện là người phụ nữ Pháp có tên Odile – cô gái yêu đọc sách và khát khao làm việc tại thư viện để hàng ngày được đắm chìm bên những trang sách. Năm 1939, Odile vui mừng vì được tuyển chọn làm thủ thư tại Thư viện Hoa Kỳ...

Phương châm của cuốn tiểu thuyết “Một thư viện ở Paris” chính là “Ánh sáng của những cuốn sách bừng lên trong đêm tối của chiến tranh”. Đây cũng chính là thông điệp mà tác phẩm muốn truyền tải, văn chương, thư viện là một trong những yếu tố quan trọng của cuộc sống, nó mang tất cả chúng ta lại gần nhau cũng như gắn kết tình bạn và là cầu nối giữa hiện tại – quá khứ.

Ký họa Venice

Rhys Bowen là tác giả nổi tiếng người Anh, bà đã sáng tác hơn 40 tiểu thuyết. Các tác phẩm của bà luôn đứng trong danh sách best-seller theo bảng xếp hạng của tờ New York Times. Nữ tác giả cũng đã giành được nhiều giải thường danh giá cho hạng mục tiểu thuyết lịch sử hay nhất.

Tác phẩm “Ký họa Venice” của Rhys Bowen có cốt truyện song song kể về 2 cô gái Juliet (bà trẻ Lettie) và Caroline – một bà mẹ trẻ đơn thân. Giữa hai người phụ nữ này dường như có một mối lương duyên, gắn kết mật thiết.

47 chương sách là câu chuyện về tình yêu, sự mất mát, lòng dũng cảm, tình bạn, những bí mật và sự khám phá sức mạnh nội tại của bản thân.

Những nhân vật trong “Ký họa Venice” còn là lời nhắc nhở độc giả phải thật tỉnh táo để có thể tồn tại trong bất kỳ hoàn cảnh nào, kể cả trong những giờ phút cam go nhất của Thế chiến thứ Hai.

Theo Báo Lao Động -

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết