"Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại"

Trần Huế
Thứ Bảy, 25/02/2023
Nội dung bài viết

Andreas Krebs và Paul Williams cùng nhau viết cuốn "Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại" sau một chuyến công tác ở Peru và đưa ra lời khuyên cho các doanh nhân sau đại dịch.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, Tân Việt Books tổ chức giao lưu với hai tác giả người Đức Andreas Krebs và Paul Williams. 

Bằng kinh nghiệm quản lý và sự trải nghiệm ở các doanh nghiệp khác nhau, Andreas Krebs và Paul Williams cùng viết nên cuốn sách sau chuyến công tác ở Peru. Khi tiếp xúc với lịch sử của người Inca, điều khiến họ thắc mắc là: Tại sao một đế chế tồn tại trong gần 100 năm (1438-1533) lại nhanh chóng sụp đổ khi đang ở thời kỳ hưng thịnh nhất?

Hai tác giả nhận thấy kỹ năng quản trị và lãnh đạo là chủ đề thú vị. Thoạt nhìn, có thể thấy ngay sự bất thường từ góc độ quản lý, đặc biệt khi người Inca xây dựng tổ chức xã hội rất bài bản vào thời điểm đó, nhưng vẫn thất bại nhanh chóng dưới tay người Tây Ban Nha. 

“Tôi rất ít đi công tác ở Peru, đúng hơn mới chỉ tới đó một lần, nhưng chuyến đi đã thắp lên trong tôi ngọn lửa đầy nhiệt huyết, thôi thúc tôi viết cuốn sách này. Cuốn sách không viết về đế chế Inca, nhưng nếu không có nền văn minh này, cuốn sách cũng không thể ra đời. 

Cuốn sách đề cập đến năng lực lãnh đạo hiệu quả, sự tự quản, trung thực và nhạy bén, những tầm nhìn truyền cảm hứng, quy trình tuyển chọn nhân sự chất lượng cao… Những tìm hiểu ở đế chế Inca giúp chúng tôi tìm được điểm tương đồng trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, các doanh nhân nên lạc quan sau đại dịch, không quên những bài học về rủi ro, thất bại”, Andreas Krebs chia sẻ.

Sách ''Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại''.

Andreas Krebs cho rằng, đại dịch không chỉ đem đến mất mát và thất bại, mà cũng đem lại cơ hội cho nhiều người. Vì vậy, nếu biết nắm bắt thời cơ, các lãnh đạo có thể dẫn dắt doanh nghiệp đến thành công.

Trong Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại, Andreas Krebs và Paul Williams phân tích, mổ xẻ câu chuyện đằng sau sự thành công và sụp đổ của các doanh nghiệp. Những cái tên đình đám một thời như Daimler, Grundig, Nokia, AOL, Pan Am, Woolworth, Blockbuster, Kodak, Grundig... sau cùng cũng không "bất bại" như họ tưởng.

Sai lầm của họ nằm ở đâu? Phải chăng những mầm mống thất bại luôn hiện hữu trong những thành công? Tại sao các công ty lại thất bại ngay cả khi họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, kinh nghiệm được đúc kết từ rất nhiều bài học của các doanh nghiệp thành công? Loạt câu hỏi đó được hai tác giả phân tích kỹ lưỡng trong cuốn sách.

Theo VietNamNet.

 

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết