Cuốn sách dạy xây dựng đội nhóm tuyệt đỉnh

Cuốn sách dạy xây dựng đội nhóm tuyệt đỉnh

Ngô Diệu Ly
Chủ Nhật, 27/02/2022
Nội dung bài viết

Từ lâu các nhà lãnh đạo quản lý đã hiểu được sức mạnh của đội nhóm và luôn khuyến khích sự phát triển của đội nhóm trong các tổ chức của mình.

Trong cuốn sách Đội nhóm tuyệt đỉnh: Tại sao Pixar, Netflix, Airbnb và các công ty công nghệ khác lại thành công trong khi số đông đều thất bại (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành), nhà tư vấn quản lý Robert Bruce Shaw đã chỉ ra điều khác biệt giữa các đội nhóm xuất sắc và những đội nhóm thất bại, từ đó ông đưa ra những nguyên tắc cơ bản cho những cá nhân, tổ chức muốn học theo để xây dựng được các đội nhóm vượt trội của mình.

Robert Shaw là tiến sĩ, chuyên gia tư vấn quản trị chuyên tập trung vào tính hiệu quả của các lãnh đạo và đội nhóm của họ. Ông là tác giả của nhiều bài báo, cuốn sách, cũng như là diễn giả nổi tiếng về chủ đề này.

“Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Từ lâu các nhà lãnh đạo quản lý đã hiểu được sức mạnh của đội nhóm và luôn khuyến khích sự phát triển của đội nhóm trong các tổ chức của mình, bởi có một điều chắc chắn là các nhóm sẽ đem lại lợi thế cạnh tranh khi họ hoạt động tốt.

Tuy nhiên, việc thiết kế và quản lý nhóm lại là một công việc phức tạp, đòi hỏi mức độ sáng tạo và cam kết, mà nhiều nhà lãnh đạo, quản lý chưa có nhiều kinh nghiệm còn mắc nhiều thiếu sót.

Có thể kể ra đó là: giao cho nhóm thực hiện những công việc mà lẽ ra cá nhân làm tốt hơn; không cung cấp được sự hỗ trợ mà nhóm cần để hoạt động thành công…

Thông qua việc phân tích các hoạt động đội nhóm tại Pixar, Netflix, Airbnb và các công ty tiên tiến hàng đầu khác như: Whole Foods, Zappos, Patagonia, Alibaba; tác giả Robert Shaw đã chỉ ra 5 phương pháp khác biệt tạo nên thành công cho các đội nhóm tại các công ty này. Đó là: Các thành viên của nhóm đều nuôi dưỡng nỗi ám ảnh chung về hiệu suất, hiệu quả của công việc; Đánh giá sự phù hợp văn hóa cao hơn kinh nghiệm làm việc khi tuyển dụng nhân viên mới; Tập trung vào một vài ưu tiên quan trọng của công ty trong khi vẫn đón nhận ý tưởng mới; Tạo ra nền văn hóa của nhóm vừa cứng rắn vừa mềm mỏng; Cảm thấy thoải mái trong sự thiếu thoải mái khi xảy ra nguy cơ và xung đột.

Trong các chương của cuốn sách Đội ngũ tuyệt đỉnh, tác giả lần lượt phân tích kỹ lưỡng từng đặc điểm, cũng như chỉ ra biểu hiện của các đặc điểm đó tại 7 công ty nổi bật kể trên.

Pixar là hãng phim hoạt hình nổi tiếng với những bộ phim bom tấn, thu hút không chỉ trẻ em mà cả những khán giả lớn tuổi. Thành công của hãng không thể thiếu sự dẫn dắt của những nhà lãnh đạo hàng đầu, nhưng cũng không thể không thể đến công lao của các đội nhóm tuyệt vời trong hãng.

Ví dụ có thể nêu ra ở đây là đội nhóm thực hiện bộ phim Toy Story 2 (Câu chuyện đồ chơi 2). Sau một thời gian hoạt động, mọi người nhận ra rằng sản phẩm làm ra không đáp ứng được yêu cầu nghệ thuật; các giám đốc điều hành quyết định họ phải chạy đua với thời gian để làm lại toàn bộ bộ phim cho kịp thời gian phát hành.

Sau đó nhiều người trong đội ngũ sản xuất phim đã làm việc 7 ngày một tuần, triền miên từ tháng này sang tháng khác trong 9 tháng liền để đáp ứng tiêu chuẩn sáng tạo cao ngất ngưởng của hãng và kịp thời gian phát hành.

Thậm chí trong giai đoạn hoàn thành bộ phim đầy căng thẳng, một họa sĩ lái xe đi làm vào buổi sáng, đầu óc chỉ mải mê nghĩ đến công việc và đã quên béng phải gửi con ở nhà trẻ. Nghiêm trọng hơn, anh còn quên là con vẫn nằm trong nôi đặt ở ghế sau trên xe ô tô. Đến tận 3 tiếng sau, khi vợ gọi điện, anh mới nhận ra sai lầm chết người của mình. Rất may mắn là em bé không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Đây là ví dụ điển hình nhân viên Pixar quan tâm tới công việc tới mức chấp nhận bỏ bê nhiều thứ khác để theo đuổi mục tiêu chung của họ, và hãng thậm chí phải báo động vì các nguy hiểm có thể xảy ra.   

Ngoài đặc điểm đó, Pixar cũng đặc biệt coi trọng việc tìm được những người có thể hợp tác làm việc hiệu quả. Pixar tin rằng: nhóm hiệu quả, xuất sắc sẽ tạo ra những câu chuyện tuyệt vời.

Pixar khuyến khích nhân viên tuyển dụng bạn bè mình, những người có chung niềm đam mê phim ảnh; nhưng đồng thời cũng cứng rắn khi chia sẻ thẳng thắn: “Chúng tôi sẽ sa thải những người bạn thân thiết nhất nếu đó là việc cần thiết để làm ra một bộ phim hay”.

Cuối cùng, là một công ty đánh giá sự sáng tạo là yếu tố sống còn; Pixar khuyến khích sự tranh luận để đi đến những kết quả tốt nhất. Và hầu hết mọi nhận viên đều “cảm thấy thoải mái trong sự thiếu thoải mái khi xảy ra nguy cơ và xung đột”. Tất nhiên sự xung đột ở đây được hiểu là xung đột vì sự phát triển.

Điều đáng lưu ý, mặc dù 7 công ty được đưa ra trong cuốn sách đều có các đội nhóm tuyệt đỉnh, sở hữu 5 đặc điểm chung kể trên; nhưng tác giả cũng nhấn mạnh: về bản chất các công ty này hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh việc chỉ ra điểm chung, tác giả cũng khám phá sự khác biệt của họ để giúp độc giả hiểu rõ hơn họ đã phải đánh đổi những gì để thiết kế và triển khai thành công các nhóm. Ông đồng thời chỉ ra các yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến thành công của các đội nhóm như: chiến lược kinh doanh, thử thách từ môi trường kinh doanh…

Và từ đó tác giả cuốn sách Đội ngũ tuyệt đỉnh nhấn mạnh: “Các kỹ thuật nhóm cụ thể được mô tả trong cuốn sách này phải được xem xét trong bối cảnh một công ty cụ thể, tham chiếu với lịch sử, văn hóa cũng như kỳ vọng của công ty đó… Người đọc cần hiểu mục đích đằng sau một phương pháp tân tiến cụ thể và môi trường rộng lớn hơn vốn là điều kiện cần để phương pháp đó phát huy hiệu quả; và sau đó xác định có nên áp dụng kỹ thuật đó cho nhóm hay công ty của mình không, áp dụng như thế nào là tốt nhất”.

Nguồn: vietnamnet.vn

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết