Học cách xây dựng đội nhóm tuyệt đỉnh từ Pixar, Netflix, Airbnb và nhiều công ty thành công khác

Học cách xây dựng đội nhóm tuyệt đỉnh từ Pixar, Netflix, Airbnb và nhiều công ty thành công khác

Ngô Diệu Ly
Thứ Năm, 10/03/2022
Nội dung bài viết

Trong cuốn sách “Đội nhóm tuyệt đỉnh” (Tân Việt Books và NXB Dân trí ấn hành), tác giả Robert Bruce Shaw đã chỉ ra các phương pháp để xây dựng được các đội nhóm xuất sắc từ kinh nghiệm của các công ty tiên tiến hàng đầu như Whole Foods, Airbnb, Alibaba, Patagonia, Pixar, Netflix và Zappos. Đây là cuốn sách cần đọc đối với mọi nhà lãnh đạo, quản lý, các giám đốc kinh doanh, trưởng nhóm và các chuyên gia nhân sự muốn xây dựng nền văn hóa thúc đẩy hiệu quả hoạt động của mình.

Những thành tích tuyệt vời hầu như luôn là kết quả của những đội nhóm tuyệt vời. Tuy nhiên hầu hết các nhà lãnh đạo hiện nay đều dựa vào những ý tưởng và kinh nghiệm đã có từ hàng thập kỷ nay để xây dựng đội nhóm của mình. Song thời thế đã thay đổi, những người bám vào quan điểm lỗi thời về xây dựng nhóm sẽ dần bị bỏ lại phía sau. Câu hỏi đặt ra là cần làm gì để tạo ra một nhóm có thể đối mặt thành công với những thách thức của thế giới ngày nay?

 Để trả lời câu hỏi đó, Robert Bruce Shaw xem xét thực tiễn làm việc của 7 công ty đổi mới, tăng trưởng cao như: Whole Foods, Pixar,  Netflix, Airbnb, Alibaba, Patagonia và Zappos. Hành trình này đã được ông tổng kết thành cuốn sách “Đội nhóm tuyệt đỉnh” với phong cách viết lôi cuốn, hấp dẫn, mạch lạc.

Theo đó, một trong những nguyên nhân giúp các công ty này đã trở thành đơn vị dẫn đầu trong ngành của họ là mạnh dạn viết lại các quy tắc làm việc nhóm. “Đội nhóm tuyệt đỉnh” cung cấp phân tích chi tiết về cách nhà lãnh đạo tại các công ty này suy nghĩ và hành động; đặc biệt, mô tả các phương pháp tiếp cận của họ để tạo ra các nhóm xuất sắc có thể mang lại kết quả phi thường.

Tuy có lịch sử, văn hóa và thách thức khác nhau, 7 công ty đều chung nhau 5 phương pháp xây dựng nhóm bao gồm:

  • Các thành viên của nhóm đều nuôi dưỡng nỗi ám ảnh chung về hiệu suất, hiệu quả của công việc;
  • Đánh giá sự phù hợp văn hóa cao hơn kinh nghiệm làm việc khi tuyển dụng nhân viên mới;
  • Tập trung vào một vài ưu tiên quan trọng của công ty trong khi vẫn đón nhận ý tưởng mới;
  • Tạo ra nền văn hóa của nhóm vừa cứng rắn vừa mềm mỏng;
  • Cảm thấy thoải mái trong sự thiếu thoải mái khi xảy ra nguy cơ và xung đột.

Netflix phổ biến rất rõ kỳ vọng của mình cho mọi người biết: đó là họ kỳ vọng hiệu suất phi thường từ mọi nhân viên. Nỗ lực bao nhiêu không quan trọng. Mục đích thế nào không quan trọng. Kết quả mới là quan trọng. Nhân viên sẽ được khen thưởng dựa trên thành tích họ đạt được ngược lại họ sẽ phải rời phải công ty.

Hãng giao cho nhân viên của mình những công việc quan trọng và họ được tự do quyết định cách thức thực hiện những công việc đó. Hãng cố gắng đơn giản hóa hoặc loại bỏ các quy trình hành chính đang tồn tại, đồng thời cũng nỗ lực để các nhân viên của mình làm việc trong môi trường gồm những đồng nghiệp tài năng và họ tin rằng đó là đặc quyền tốt nhất mà một công ty có thể cung cấp cho nhân viên của mình.

Yếu tố quan trọng cho phép mô hình này phát triển hiệu quả là phải tuyển dụng được đúng người. Tự do và trách nhiệm không có mấy giá trị nếu như mọi người thiếu động lực và năng lực cần thiết để mang lại hiệu quả.

Netflix chỉ tập trung vào tương lai trên khía cạnh mô hình kinh doanh và điều này ảnh hưởng đến cách hãng quản lý con người. Hãng không quan tâm tới những gì nhân sự đã đóng góp trong quá khứ, mà chỉ quan tâm xem họ có thể đóng góp những gì trong tương lai. Để đạt được mục tiêu này các nhà quản lý của Netflix được yêu cầu phải đặt ra câu hỏi định kỳ về những kỹ năng mà các nhóm của mình cần. Đặc biệt hãng làm mọi cách đảm bảo rằng nhân viên được trang bị tốt nhất để giải quyết những thách thức sẽ có đó.

Ở phương pháp tập trung vào ưu tiên quan trọng, tác giả Robert Shaw chỉ ra Netflix đã chuyển từ đĩa DVD sang phát trực tuyến nhanh nhất có thể, vì họ biết rằng phát triển trực tuyến là chìa khóa thành công trong tương lai. Quá trình chuyển đổi trên diễn ra hơn so với dự đoán của công ty, nhưng doanh thu từ nền tảng phát phim trực tuyến vô cùng khổng lồ so với kinh doanh DVD truyền thống. Và trong quá trình này, hãng đã yêu cầu đội ngũ tinh anh của mình ăn, ngủ và hít thở cùng việc phát triển nền tảng phát phim trực tuyến.

Về mặt cơ chế, bên cạnh việc trả lương thưởng xứng đáng, Netflix cho phép nhân viên được tự do làm việc nhất có thể. Hãng đã dừng việc theo dõi thời gian nghỉ phép của nhân viên, thậm chí còn cho phép họ nghỉ phép bao nhiêu ngày tùy thích. Gần đây hãng đã đưa ra chế độ nghỉ phép không giới hạn một năm cho nhân viên mới sinh con… Tuy nhiên, chế độ của Netflix cũng rất cứng rắn, thể hiện ở điểm hãng yêu cầu hiệu suất công việc cao. Netflix không chỉ sa thải nhân viên hoạt động kém hiệu quả mà còn sa thải những người làm việc chỉ ở mức trung bình. Hãng sẽ chỉ giữ chân những người phi thường và không thỏa hiệp với sự tầm thường dưới bất kỳ hình thức nào.

Ở một nền văn hóa coi trọng sự tự do đi đôi với hiệu suất, Netflix cho rằng sư căng thẳng và xung đột là điều cần thiết để thúc đẩy các đội nhóm đạt được mục tiêu của mình. Họ có kỹ năng tạo ra môi trường khiến mọi người cảm thấy thoải mái khi ở trong tình huống khó chịu. Qua đó họ làm tăng khả năng lộ diện và giải quyết xung đột một cách hiệu quả.

Điều đáng lưu ý, mặc dù 7 công ty được đưa ra trong cuốn sách đều có các đội nhóm tuyệt đỉnh, sở hữu 5 đặc điểm chung kể trên; nhưng tác giả cũng nhấn mạnh: về bản chất các công ty này hoàn toàn khác nhau. Bên cạnh việc chỉ ra điểm chung, tác giả cũng khám phá sự khác biệt của họ để giúp độc giả hiểu rõ hơn họ đã phải đánh đổi những gì để thiết kế và triển khai thành công các nhóm. Ông đồng thời chỉ ra các yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến thành công của các đội nhóm như: chiến lược kinh doanh, thử thách từ môi trường kinh doanh…

Và từ đó tác giả cuốn sách “Đội ngũ tuyệt đỉnh” nhấn mạnh: “Các kỹ thuật nhóm cụ thể được mô tả trong cuốn sách này phải được xem xét trong bối cảnh một công ty cụ thể, tham chiếu với lịch sử, văn hóa cũng như kỳ vọng của công ty đó… Người đọc cần hiểu mục đích đằng sau một phương pháp tân tiến cụ thể và môi trường rộng lớn hơn vốn là điều kiện cần để phương pháp đó phát huy hiệu quả; và sau đó xác định có nên áp dụng kỹ thuật đó cho nhóm hay công ty của mình không, áp dụng như thế nào là tốt nhất.”

Với những hướng dẫn thực tế được rút ra từ câu chuyện thành công của 7 công ty thú vị nhất đang hoạt động hiện nay, “Đội ngũ tuyệt đỉnh” sẽ thúc đẩy các nhà quản lý, lãnh đạo, các giám đốc kinh doanh, trưởng nhóm và các chuyên gia nhân sự suy nghĩ về việc xây dựng công ty hoặc các đội nhóm xuất sắc theo những cách mới.

Nhận xét về cuốn sách, Linda P. Hudson, Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Cardea viết: “Đội nhóm tuyệt đỉnh” miêu tả cách các công ty tân tiến thúc đẩy những giới hạn về đội nhóm. Một nghiên cứu thú vị về sự đổi mới, minh họa sống động cho tương lai làm việc đội nhóm. Cuốn sách cực kỳ đáng đọc đối với những lãnh đạo mong muốn tạo ra một nền văn hóa bồi dưỡng năng lực làm việc đôi nhóm vượt trội trong tổ chức của mình.”   

Nguồn: tramdoc.vn

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết