Kể chuyện cuộc đời những thiên tài

Kể chuyện cuộc đời những thiên tài

Ngô Diệu Ly
Thứ Năm, 30/06/2022
Nội dung bài viết

Kể chuyện cuộc đời những thiên tài khắc họa sinh động về cuộc đời, quá trình sáng tạo cùng đóng góp to lớn của những con người vĩ đại đã làm thay đổi cả thế giới. Đó là Leonardo da Vinci, Thomas Edison, Beethoven hay Lev Tolstoy…

Bươn chải từ sớm, Marie Curie phải chịu nhiều vất vả, đắng cay

Những khó khăn, bươn chải từ sớm đã giúp Manya có một suy nghĩ chín chắn trước tuổi và một thế giới nội tâm phong phú.

Tháng 9/1884, Manya trở về Warszawa sau 14 tháng sống thoải mái ở nông thôn. Hơn một năm xa nhà, gia đình bây giờ đã khác. Bố chậm chạp hẳn đi, đôi mắt không còn sáng và lanh lợi như trước, báo hiệu tuổi già. Ông vẫn dạy ở trường trung học, nhưng không còn nhận học sinh trọ học ở nhà.

Ba mươi năm theo nghề dạy học đã hình thành nên ở ông một dáng vẻ đạo mạo. Ai mới gặp ông lần đầu sẽ nghĩ ông là người nghiêm khắc, khó gần. Nhưng chỉ khi tiếp xúc mới biết ông là người giàu tình cảm, cởi mở và rất thương yêu con cái.

Những năm tháng sung sức nhất của cuộc đời ông đã dành để chăm lo, nuôi dạy bốn đứa con thơ. Giờ đây, các con đã khôn lớn, nhưng ông vẫn lo lắng mỗi khi nghĩ đến tương lai của chúng và lại ân hận vì sự nhẹ dạ năm nào khiến ông đã đẩy gia đình vào cảnh trắng tay.

Dù vậy, tất cả con không hề trách ông về điều đó, các con đều rất hiểu sự nhọc nhằn, vất vả của bố. Từ đó, chúng đều biết tự vươn lên trong cuộc sống bằng chính khả năng của mình. Ông luôn tự hào về các con và lấy đó làm niềm an ủi.

Thu nhập của ông Wladyslaw không thể đủ để tiếp tục nuôi năm người sống trong ngôi nhà rộng rãi trên phố Leszno. Vì vậy, cả nhà chuyển đến ở trong một căn nhà nhỏ hơn, thanh bạch hơn ở phố Nowolipski, nơi Manya đã sống thời thơ ấu. Ngôi nhà tuy nhỏ, lại vắng bàn tay của người vợ, người mẹ, nhưng lúc nào cũng ấm cúng.

Tạo hình Marie Curie trong phim Marie Curie: The Courage of Knowledge (2016). Nguồn: Detroit Institute of Art.

​​​​​

Marie Curie anh 1

Ông Wladyslaw không chỉ là người cha tần tảo, tất bật sớm chiều, mà còn là người thầy có học vấn uyên thâm. Ngoài thời gian dành cho gia đình, ông vẫn luôn dành thời gian trau dồi kiến thức khoa học qua sách báo. Ông thông thạo nhiều ngoại ngữ và đã dịch nhiều tác phẩm văn thơ của nước ngoài sang tiếng Ba Lan.

Cứ đến chiều thứ 7, cả nhà quây quần bên ấm trà bốc khói, bình văn thơ. Các con chụm đầu chăm chú nghe bố ngâm thơ, đọc những đoạn trích của các tác phẩm nổi tiếng in trên những trang sách bạc màu. Một số tác phẩm này bị Sa hoàng nghiêm cấm, nhưng vẫn được in ra lén lút.

Manya sẽ còn nhớ mãi những buổi chiều ấy. Đối với cô, ông Wladyslaw vừa là cha, vừa là một người thầy thông thái. Cô yêu bố và cảm thông nỗi buồn giấu dưới vẻ mặt bình thản của ông.

Đó là nỗi buồn thương nhớ người vợ xấu số, nỗi buồn của một thầy giáo bị chèn ép, nỗi ân hận của một người vốn thận trọng lại rơi vào sự nhẹ dạ năm xưa làm tiêu tan vốn liếng của gia đình.

Những lúc thấy ông thở dài đầy mệt mỏi, Manya đều đến an ủi, động viên. Cô nhìn sâu vào đôi mắt sáng, cương nghị, nhưng không còn linh hoạt của bố như muốn nói: Bố cứ yên tâm. Anh em chúng con còn trẻ, khỏe, chúng con sẽ làm được những gì bố mong đợi.

Khi kinh tế gia đình ngày càng khó khăn hơn, không ai bảo ai, mấy anh em Manya đều tìm cách kiếm sống để chia sẻ gánh nặng gia đình với bố. Vì là con nhà giáo nên cả cậu con trai và ba cô con gái đều quyết định đi làm gia sư. Đó là cái nghề bạc bẽo trong thời buổi bấy giờ.

Mười sáu tuổi đầu, Manya đã nếm trải những nỗi vất vả, đắng cay mà một cô giáo dạy gia sư phải chịu đựng. Trời mưa, giá rét phải đi bộ từ nơi này đến nơi khác. Học trò chây lười, coi thường các thầy cô gia sư. Bọn trẻ nhà giàu được chiều chuộng như những ông hoàng, bà chúa.

Mỗi lần đến dạy thì cha mẹ chúng lại yêu cầu ngồi chờ chúng cả tiếng đồng hồ trong căn phòng rét mướt. Và đôi khi đến cuối tháng, người ta lại quên cả việc trả mấy đồng lương ít ỏi mà các thầy cô gia sư phải đổi bằng mồ hôi, nước mắt.

Những khó khăn, bươn chải từ sớm này đã giúp Manya có một suy nghĩ chín chắn trước tuổi và một thế giới nội tâm phong phú. Cô vẫn dành thời gian để đọc sách, học tập, theo dõi tình hình thời cuộc. Đôi lúc rảnh rỗi, Manya còn ngồi ngắm khóm đỗ quyên từ từ trổ hoa.

Thời gian này, tầng lớp thanh niên Ba Lan đều hăng hái muốn phục vụ Tổ quốc. Mỗi người tự tìm cho mình một con đường riêng từ trực tiếp tham gia chiến đấu đến đấu tranh bằng ngòi bút, thậm chí cả sống ẩn dật để nép mình dưới bóng Đức Chúa. Tất cả con đường ấy dù có tên gọi khác nhau, nhưng đều đi đến một điểm chung là vì đất nước Ba Lan yêu dấu.

Nguồn: Zing news.

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết