Nghị lực và tình thương của người thầy

Nghị lực và tình thương của người thầy

Linh Linh
Thứ Hai, 21/11/2022
Nội dung bài viết

"Quý cô nóng nảy - Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller" - cuốn sách đặc sắc về tình thầy trò, tình người, vượt qua thời gian vẫn luôn trở thành câu chuyện điển hình cho đến hôm nay.

Cuốn sách "Quý cô nóng nảy - Hành trình khai mở tâm trí Helen Keller" của tác giả Sarah Miller do Nhà xuất bản Dân Trí và Công ty sách Tân Việt phát hành thật vừa vặn để đọc trong "mùa tri ân" thầy cô giáo. Đó là câu chuyện kể về sự hi sinh thầm lặng của cô giáo Anne Sullivan, người đã thắp lên niềm tin, vực cô bé Helen Keller đứng dậy từ sâu trong màn đêm đen tối.

Cả thế giới gói gọn trong một "người thầy"

"Với thế giới, Helen Keller sẽ luôn là một phép màu. Nhưng với Helen, cô giáo Anne Sullivan là cả thế giới".

Đúng vậy, trong trái tim của Helen bé nhỏ và tội nghiệp, cô Anne chính là vị thiên sứ đặc biệt đưa em bước ra khỏi màn đêm đen tối. Đó là màn đêm đen tối theo nghĩa tả thực của từ này vì Helen bị mù, và số phận còn khắc nghiệt hơn nữa khi lấy đi giác quan quan trọng nhất của một người mù là đôi tai.

Vừa khiếm thị, vừa khiếm thính, chung quanh em chỉ là bóng tối và sự im lặng. Cô bé gần như bị chặn tất cả các cánh cửa tiếp xúc với thế giới từ khi còn quá nhỏ, khi mà khái niệm về cuộc sống chung quanh còn chưa kịp định hình, các sự vật có tên chưa từng xuất hiện trong đầu em, một tâm trí chưa có hình ảnh và ngôn từ.

Tác giả Sarah Miller miêu tả rằng: Helen chỉ có thể hiểu một vài giao tiếp đơn giản, thí dụ như khi muốn nói “không”, mẹ cô bé sẽ nắm lấy bàn tay cô, áp nó vào má mình và lắc lắc đầu. Đó là cách duy nhất em chạm tới thế giới, một cái chạm mà ai cũng tin rằng không thể xa hơn.

Nghị lực và tình thương của người thầy ảnh 1

Bắt đầu câu chuyện bằng một nhân vật đặc biệt, đặc biệt đến nỗi độc giả mong muốn sẽ có một người thầy hoàn hảo, đủ để khỏa lấp những khiếm khuyết của cô bé Helen tội nghiệp ấy, để vực dậy nhựa sống trong cô bé, như một thiên sứ mang ánh sáng tri thức, và niềm tin cuộc sống cho cô bé, để giúp cô bé thực sự "chạm" vào thế giới. Và vị thiên sứ ấy thực sự đã đến, chỉ có điều đó cũng là một thiên sứ đặc biệt.

Năm lên 6 tuổi, Helen Keller gặp cô gia sư Anne Sullivan - một người khuyết tật đáng thương, từng sống cô độc trong trại tế bần vì mất hết người thân và “không có nơi nào để đi”. Một con người không có nơi nào để đi, gặp một con người dường như không có lối thoát nào, họ trở thành nguồn sáng cho chính nhau như sự an bài của thượng đế.

Nỗi đau thể xác và sự trống rỗng trong tâm hồn khiến Helen trở thành một cô bé nóng nảy và dữ dội đến cùng cực. Một cô giáo Anne cũng gánh đủ thiệt thòi và đau thương trên mình. Họ đến với nhau và tạo nên một lớp học đặc biệt, lớp học 1-1, lớp học của sự dìu dắt và nâng đỡ nhau giữa hai con người chịu nhiều thiệt thòi của số phận và được tác giả nhấn mạnh là lớp học “không từ ngữ, chỉ cảm nhận thôi”; lớp học của những xúc chạm, chạm vào sự vật để khám phá thế giới, chạm vào tình thương để có nghị lực vượt qua những khắc nghiệt của cuộc đời.

Không thị giác, không thính giác, không ngôn ngữ, Helen đã bước ra thế giới đầy vinh quang trong sự hân hoan và ngỡ ngàng của mọi người. Nhưng với em, thế giới của em chính là cô giáo Anne - một thế giới nhiều mới mẻ và ngập tràn tình yêu thương, vinh quang ấy cũng chính cô Anne mang đến cho em - vinh quang chung cho hai mảnh đời khuyết tật sống vì nhau, dựa vào nhau.

Nghị lực và tình thương của người thầy ảnh 2

Bài học về sự kiên trì và tình thương

Đây là một câu chuyện có thật nhưng khiến độc giả cảm nhận như một câu chuyện cổ tích. Bởi những gì Helen và Anne làm được thực sự là điều phi thường. Có điều, cái phi thường ấy được tạo nên bởi những điều rất thực, đó là sự kiên trì và tình thương của người thầy giáo.

Lúc đầu, Anne đã rối bời và mất tự tin khi nghĩ đến việc phải dạy một đứa trẻ vừa khiếm khuyết về thể chất, vừa tổn thương về tinh thần với tâm lý nặng nề đầy kháng cự. Nhưng cô đã bắt đầu từ những điều nho nhỏ như một cái ôm, cô giáo Anne trao cho cô trò nhỏ trong buổi sáng đầu tiên thức giấc, cho đến khi cô bé nhận ra rằng “một bàn tay dịu dàng là thứ cuối cùng em cần đến”.

Và rồi đôi bàn tay của cô gái bé nhỏ đã lần đầu ôm ấp một con búp bê và quờ quạng khám phá hình thù các chữ cái trên tay cô giáo để bắt đầu bài học đầu tiên.

Nhưng, liệu có dễ dàng như vậy không với một Helen như con thú hoang, ngỗ ngược, phá phách, và hung dữ… nhưng lại vô cùng tội nghiệp.

Tôi cho rằng câu chuyện sẽ toàn là lý thuyết nếu Anne chỉ cần mỗi dịu dàng là có thể khiến cô học trò ngồi ngoan ngoãn 8 tiếng mỗi ngày. Thực thế thì Anne đã phải dùng cả những biện pháp khắc nghiệt nhất như đánh đòn, phạt nhịn đói, hay tách Helen ra khỏi sự bao bọc nuông chiều của gia đình để giáo dục độc lập, “huấn luyện” cô bé vào nền nếp và trở nên hiểu biết hơn.

Sự nghiêm khắc này không nhằm ra uy, mà xuất phát từ quyết tâm đưa cô học trò đáng thương ra khỏi bóng đêm cuộc đời, bởi vậy nó chứa đầy trăn trở và suy tư. Để rồi sau cùng, bạn đọc nhận ra rằng, hơn tất thảy, chỉ có tình yêu thương chân thành, sự đồng cảm mới là động lực giúp cô Anne quyết tâm dẫn dắt Helen đến kiệt sức như vậy.

Rất nhiều nhọc nhằn trên vai một người giáo viên dạy trẻ khuyết tật và có những đoạn bạn đọc nín thở chờ đợi với suy nghĩ: Anne sẽ bỏ cuộc thôi, làm sao có thể chịu nổi, thật bất lực… cho đến khi chính Anne lại tìm ra một cách khác để khai mở Helen. Hết lần này đến lần khác... Cho đến khi thành công... 50 năm...

Trong suốt 50 năm ấy, cô giáo Anne gần như không rời xa Helen, luôn đồng hành cùng học trò của mình, lặng thầm trong từng bước tiến để cô bé trở thành một giảng viên, một nữ văn sĩ, nhà hoạt động xã hội và cũng là diễn giả người Mỹ nổi tiếng trên toàn thế giới được hậu thế nghiêng mình ngưỡng mộ khi là người khiếm thị, khiếm thính đầu tiên giành học vị Cử nhân nghệ thuật, có tầm ảnh hưởng lớn và là tấm gương nghị lực phi thường cho những người khuyết tật.

Nghị lực và tình thương của người thầy ảnh 3

Năm 1933, khi gần như đã mất đi hoàn toàn thị lực và sức khỏe ngày càng suy yếu, cô giáo Anne đã nói với Helen: “Cô đang cố hết sức để sống vì em”. Những lời cuối của Anne Sullivan, được ghi âm bởi Polly Thompson vào ngày 15/10/1936, đã nhắc tới em trai Jimmie của bà, rồi đến Helen: “Cầu Chúa phù hộ cho cô bé khi tôi ra đi”. Không lâu sau đó, cô giáo Anne Sullivan rơi vào hôn mê và mất sau 5 ngày, với bàn tay vẫn nắm chặt tay Helen. Helen mãi mãi là nỗi khắc khoải và cũng là niềm tự hào trong trái tim cô giáo Anne.

Sự gắn kết thầy trò chính là đòn bẩy đưa hai con người, hai số phận đặc biệt ấy vượt lên hoàn cảnh, tựa vào nhau để chiếu sáng cho nhau, cùng dắt nhau bước ra thế giới.

Cuốn sách thú vị tựa một cuốn tiểu thuyết lôi cuốn bởi những tình tiết đan cài khiến ta có cảm giác như đang đọc Đồi gió hú, Trà hoa nữ hay Bà Bovary.

Gập trang sách lại, một thứ xúc cảm nửa ám ảnh, nửa an yên cứ len lỏi trong tâm trí bạn đọc. Ám ảnh bởi câu chuyện của Helen và Anne dường như không phải câu chuyện cá biệt, bên ngoài kia cũng không ít mảnh đời như Helen đang mong chờ “người đưa đò tận tuỵ” như cô giáo Anne, an yên bởi một niềm tin về hơi ấm của tình thương, tình thầy trò như giữa Anne và Helen vẫn bền bỉ lan tỏa trong xã hội hối hả hiện đại.

Trong nền giáo dục hiện đại ngày nay, các hình thức học tập được số hóa, các ứng dụng công nghệ được phổ cập, bài giảng online, và sắp tới có thể là thầy giáo AI, nhà trường Metaverse… có thể sẽ tạo ra những khoảng cách về giao tiếp, khoảng trống của tình thầy trò. Tuy nhiên, máy móc có thể hỗ trợ hoặc thay thế con người trong việc truyền đạt kiến thức, nhưng không thể thay thế các thầy cô trong việc gieo trồng hạnh phúc, xúc cảm, đặc biệt là với những người khuyết tật.

Các thầy cô giáo, đặc biệt là các thầy cô thuộc khoa giáo dục đặc biệt, chắc chắn sẽ được xốc lại nghị lực, sự nhiệt huyết với nghề, với trò, có thêm nghị lực vượt qua những rào cản tự thân, có niềm tin mạnh mẽ vào sứ mệnh của giáo dục chiến thắng cả những nghịch cảnh tồi tệ nhất và đem lại cơ hội được học tập bình đẳng cho mọi người khi đọc câu chuyện này.

Theo: Báo Nhân Dân

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết