Ngọn lửa trong ánh mắt Whitney Houston năm cô 12 tuổi

Ngọn lửa trong ánh mắt Whitney Houston năm cô 12 tuổi

Ngô Diệu Ly
Thứ Sáu, 08/07/2022
Nội dung bài viết

"Nhìn vào ánh mắt Nippy, tôi trông thấy ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt", bà Cissy Houston kể về tuổi 12 của Whitney Houston.

Tôi và Nippy (tên gọi của Whitney) gần gũi nhau hơn khi con bé 11 hay 12 tuổi. Tôi thường đưa Nippy đến những buổi luyện tập, nơi con bé có cơ hội nghe các ca sĩ như Chaka Khan, Aretha, Roberta Flack và Luther Vandross hát. Tôi cũng đưa Nippy đến nhà thờ New Hope.

Thời gian đầu, Nippy không thích đến nhà thờ. Tuy nhiên, tôi dần thấy sự thay đổi trong con bé. Tôi nghĩ những rắc rối ở trường khiến Nippy chấp nhận nhà thờ như nơi chốn bình yên. Ở New Hope không ai chế giễu trang phục hay ghen tị với con bé.

Tại nhà thờ New Hope, tâm hồn Nippy được xoa dịu. Từ đó, Nippy không bao giờ để lạc mất đức tin vào Chúa, ngay cả khi cuộc đời con bé bắt đầu xáo trộn. Ở tuổi trưởng thành, niềm tin của Nippy trở nên trầm lắng hơn.

Con bé không lui đến nhà thờ nhiều và không nói gì về đức tin. Tuy nhiên, Nippy thường xuyên cầu nguyện. Con bé hát nhạc phúc âm để khởi động trước khi trình diễn. Tôi biết Nippy tin vào Chúa và điều đó cho tôi sức mạnh.

Khi Nippy lên lớp sáu, John và tôi bắt đầu lo lắng về việc học tập của con bé. Trường Franklin Elementary bắt đầu áp dụng mô hình giáo dục “lớp học mở”, nơi học sinh có thể đi lang thang và học hành theo sở thích cá nhân. Tôi không thích ý tưởng đó. Một đứa trẻ sẽ tiếp thu được gì với mô hình giáo dục như vậy? Bọn trẻ sẽ làm việc riêng, nói chuyện và đi lang thang ư?

 

Whitney Houston anh 1

Whitney Houston và mẹ cô, bà Cissy Houston. Nguồn: tn.com.ar.

Tôi bảo với Nippy rằng gia đình đang nghĩ đến việc chuyển con bé đến Mount Saint Dominic. Đó là một ngôi trường Công Giáo gần Caldwell, không chỉ danh tiếng mà còn dạy học theo phương pháp truyền thống. Nippy không muốn chuyển đi, con bé xin chúng tôi được ở lại trường.

Cuộc thảo luận tạm dừng cho đến khi tôi bất chợt có việc đến trường Franklin và trông thấy cảnh bọn trẻ la hét, chạy náo loạn trong “lớp học mở”. Nippy trông thấy tôi. Con bé biết ngay rằng tôi sẽ lôi nó đến ngôi trường Công Giáo bằng mọi cách.

Con bé vẫn không muốn chuyển đến Mount Saint Dominic nhưng chúng tôi không cho phép con được lựa chọn. Tôi là mẹ và Nippy là con gái tôi. Như khi bạn còn là trẻ con, bạn sẽ không được tự ý quyết định mọi thứ. Nhưng Nippy lại có quyết định khác táo bạo hơn.

Nippy từng bảo rằng con bé muốn trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Ở tuổi 12, con bé khẳng định điều đó với tôi một cách chắc chắn. Tôi tìm cách thay đổi ý định của Nippy. Hơn ai hết, tôi hiểu rõ ngành công nghiệp giải trí đầy chông gai, thử thách. Tôi không chắc cô con gái đáng yêu của mình đủ mạnh mẽ đối diện mọi thứ.

Nippy chỉ muốn được mọi người yêu mến và thường xuyên bị bạn học bắt nạt. Làm thế nào con bé chống chọi được với sự khắc nghiệt của thế giới giải trí? Nhưng Nippy kiên quyết đến cùng, dù tôi có khuyên răn như thế nào.

​​​​​​​

Whitney Houston anh 2

Sách Thương nhớ Whitney. Ảnh: Meggy's Choice.

Nhìn vào ánh mắt Nippy, tôi trông thấy ngọn lửa quyết tâm mãnh liệt. Cuối cùng, tôi đành lên tiếng: “Thôi được. Nếu vậy, mẹ sẽ giúp con”. Nhưng tôi cũng đưa ra những nguyên tắc riêng.

Nếu Nippy muốn hát, con bé phải học hát một cách bài bản. Điều đó đồng nghĩa với việc phải tập luyện mỗi ngày và tham gia hát trong ca đoàn nhà thờ mỗi chủ nhật. Trong các buổi tập cho dàn hợp xướng, tôi khắt khe với Nippy vì muốn con bé hát tốt hơn. Tôi kỉ luật thép với con gái như thể trước mặt là kẻ xa lạ.

Nippy không mấy thoải mái khi mẹ quá nghiêm khắc, tôi cũng chẳng dễ chịu chút nào. Tôi đã học được cách huấn luyện này từ chị gái Reebie - không đùa giỡn trong lúc tập hát - và áp dụng lại phương pháp đó lên Nippy.

“Con phải nắm bắt được giai điệu bài hát. Tác giả có dụng ý của họ và con phải nhìn thấy được tinh thần đó để hát đúng cách”. Một khi nắm bắt được giai điệu, chúng ta có thể biến hóa tạo ra âm sắc riêng. Tôi đảm bảo Nippy biết cách tạo ra dấu ấn riêng khi hát. Cho dù giai điệu có nhanh chậm, chuyển giọng khó đến đâu, con bé cũng xử lí ổn thỏa.

Tôi dạy Nippy phát âm để mỗi khi hát, người nghe thấu hiểu được con bé hát gì. Mỗi bài hát là một câu chuyện, nếu không có câu chuyện thì đó chẳng phải là bài hát hoàn chỉnh. Nhạc sĩ luôn có thông điệp khi sáng tác.

Người nghệ sĩ giỏi có thể nhận ra tầm nhìn nhạc sĩ và biến bài hát thành của riêng mình. “Phát âm rõ ràng đi!” Tôi muốn Nippy thật sự cảm nhận được những gì con bé hát. Nếu không, mọi thứ đều trở nên vô nghĩa.

Trong vai trò người giáo viên, chúng ta thường bị chỉ trích nếu quá khắt khe. Tôi muốn Nippy hát tốt hơn nữa. Để đạt được kết quả mong muốn, tôi cùng Nippy phải cùng nhau khổ luyện.

Đôi lúc con bé bảo tôi: “Mẹ khiến con cảm thấy tệ đến mức chỉ muốn đào lỗ chui xuống sàn nhà. Như thể con chưa hề cố gắng vậy!” Và tôi đáp lại: “Con yêu, mẹ không muốn làm như vậy đâu. Nhưng mẹ muốn con trở thành ca sĩ hát hay nhất”. Sau đó, chúng tôi lại lao vào tập luyện.

Gary có giọng hát đẹp. Tôi cũng đã dạy thằng bé một thời gian ngắn. Cuối cùng, Gary lên tiếng: “Mẹ ơi, mẹ khó tính quá!”. Thằng bé bỏ cuộc vì không thể vượt qua thử thách tôi đặt ra. Nippy cũng nghĩ rằng tôi quá khó tính nhưng đó chỉ vì tôi không để con bé được tự do thoải mái hay lười biếng luyện tập. Tôi thường dạy con bé: “Con phải trở thành một hình mẫu! Con đã chọn làm ca sĩ, con sẽ phải học bài bản".

Nippy không thích sự khắt khe của mẹ, nhưng con bé vẫn kiên trì lắng nghe và học hỏi, trong khi nó hoàn toàn có thể dành thời gian chơi bời hay tiệc tùng. Con bé không có cơ hội vui chơi nhiều, phần vì John và tôi không cho phép. Vì John ít khắt khe hơn tôi, nên có lúc Nippy phải xin phép bố thay vì mẹ, nếu muốn ra ngoài.

Nhưng nhìn chung, Nippy toàn tâm toàn ý cho việc ca hát, vì thế, con bé chấp nhận mọi quy tắc tôi đưa ra. Có lúc, Nippy giận dỗi không muốn nói chuyện với tôi, nhưng con bé vẫn tập luyện vào hôm sau.

Nguồn: Zingnews

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết