Những chuyện tình đẹp ở thành phố Venice
Ngô Diệu Ly
Thứ Hai,
05/09/2022
Nội dung bài
viết
Kí họa Venice của tác giả Rhys Bowen là một câu chuyện đẹp nhưng man mác buồn. Những trang văn đầy hình ảnh hấp dẫn, cốt truyện đặc sắc, nhân vật đa dạng, hứa hẹn độc giả sẽ muốn đọc đi đọc lại.
Cuốn sách gồm 47 chương, lấy bối cảnh đất nước Ý và Anh trước, trong và sau thế chiến thứ hai, nhưng phần lớn câu chuyện diễn ra tại thành phố Venice nước Ý trong khoảng thời gian chiến tranh thế giới thứ hai.
Tác phẩm có cốt truyện song song kể về hai cô gái Juliet (bà trẻ Lettie) và Caroline. Giữa hai người phụ nữ này dường như có một mối lương duyên, gắn kết mật thiết.
Juliet là cô gái từng hai lần đặt chân đến thành phố Venice. Lần thứ nhất khi cô còn là một nàng thiếu nữ mới biết yêu và đầy mộng mơ. Tại đây, cô đã gặp Leonardo – con trai của gia đình quý tộc Da Rossi. Anh có mơ ước chu du khắp thế gian, sưu tầm và mở một phòng trưng bày hội họa. Còn Juliet muốn trải nghiệm cuộc sống bằng cả tuổi trẻ của mình. Họ gặp nhau, có chung sở thích, lý tưởng sống nên tình cảm nhanh chóng nảy nở.
Thế nhưng, sống cùng Juliet lúc đó là bà cô Hortensia – một người khó tính và vô cùng giáo điều. Bà không cho phép Juliet qua lại, gặp gỡ hoặc có bất kì tình cảm nào với Leo. Ngay khi phát hiện chuyện hẹn hò này, bà ra sức chửi rủa và ngăn cấm Juliet, khiến cô đành ngậm ngùi kết thúc chuyến thăm Venice mà chưa thể nói lời tạm biệt với Leo.
Cơ duyên lặp lại khi 10 năm sau, Juliet đang là giáo viên dạy nghệ thuật và nhận được cơ hội đến Venice. Cô mong ngóng gặp lại Leo nhưng khi đó, vì lợi ích gia đình nên Leo đã hứa hôn với một người phụ nữ mà anh không hề yêu.
Đây cũng là khoảng thời gian nước Ý có nhiều biến động. Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra ngày một khốc liệt. Juliet định trở về Anh để tránh nạn nhưng cô phát hiện mình đang mang thai đứa con của Leo. Cuộc sống ở Venice những ngày tháng đó được cô ghi chép lại trong cuốn nhật kí của mình.
Song song với câu chuyện của Juliet, tác giả Rhys Bowen đưa người đọc trở về hiện tại ở nước Anh, nơi cô gái Caroline – người cháu thân thiết của bà trẻ Lettie (Juliet) - vừa có cuộc hôn nhân tan vỡ với người chồng Josh. Chồng cô không những phản bội để đi theo người con gái khác, chuyển đến sống ở Mỹ, mà còn mượn cớ tòa tháp đôi ở New York bị khủng bố để nói rằng cậu con trai do sang chấn tâm lý nên không thể trở về bên cô.
Chán nản với cuộc sống thực tại, Caroline tìm về sống cùng bà ngoại, cùng bà trẻ Lettie. Khi bà trẻ Lettie sắp qua đời, bà giao cho Caroline một chiếc hộp đặc biệt, bên trong có một cuốn sổ kí họa cùng ba chiếc chìa khóa bí ẩn.
Trong quá trình Caroline sang thăm Venice và rải tro cốt của bà trẻ, cô tình cờ khám phá ra bí ẩn cất giấu trong chiếc hộp đó. Quá khứ của bà trẻ Lettie dần hé mở. Câu chuyện về hai người phụ nữ cứ thế đan cài, diễn ra song song với nhau, lúc thì trong thời chiến, lúc lại quay về thực tại.
Càng khám phá ra bí mật của bà Lettie, Caroline càng không ngờ được một người bà sống thầm lặng bấy lâu nay có quá khứ sôi nổi đến vậy. Bà từng hai lần đến Venice, có con trai với một chàng trai quý tộc rồi đứa trẻ bị bắt cóc; lại từng trở thành tù nhân, người tị nạn. Sau đó, bà sang Thụy Sĩ và còn giúp đỡ những trẻ em tị nạn khác. Khi chiến tranh kết thúc, bà may mắn được trở về nước nhờ Leo đã nhường tấm thẻ ra trại cho bà.
Ở hai người phụ nữ này đều có một tình yêu không trọn vẹn, họ cùng chịu những tổn thương, mất mát nhưng cũng rất dũng cảm đối mặt với thực tại để tìm lại niềm vui sống cho chính mình. Điều mà bà Lettie không thể thực hiện thì giờ đây Caroline hoàn toàn có thể.
Bên cạnh đó, hành trình khám phá bí mật của bà Lettie khiến Caroline từ một cô gái thụ động đã biết mạnh mẽ đứng dậy, chấp nhận kết thúc cuộc hôn nhân và bắt đầu tìm cho mình một tình yêu mới. Những kỉ vật mà bà Lettie để lại cũng trở nên có ý nghĩa đặc biệt với Caroline sau này.
Những nhân vật trong Kí họa Venice là lời nhắc nhở độc giả phải thật tỉnh táo để có thể tồn tại trong bất kì hoàn cảnh nào, kể cả trong những giờ phút cam go nhất của chiến tranh thế giới thứ hai.
Theo: Tạp chí Du Lịch TP. Hồ Chí Minh