Những ngày tháng túng thiếu và mất mát của gia đình Marie Curie

Những ngày tháng túng thiếu và mất mát của gia đình Marie Curie

Ngô Diệu Ly
Thứ Sáu, 01/07/2022
Nội dung bài viết

Khi hai nhà khoa học công bố phát hiện ra radium, người ta chỉ nhìn thấy niềm hạnh phúc của Pierre và Marie, mà không hề biết đến những cực nhọc trong suốt quá trình tìm ra nó.

Các khám phá về radium và polonium lần lượt được công bố, giới khoa học đánh giá cao công trình này. Nhưng Pierre và Marie vẫn chưa có điều kiện làm việc tốt hơn và chưa thoát khỏi cảnh thiếu trước, hụt sau. Hai vợ chồng lại tiếp tục vật lộn với những khó khăn của cuộc sống đời thường. Lỗi giao diện: file 'snippets/shortcode-….bwt' không được tìm thấy

Vật lộn giữa việc nghiên cứu khoa học và nhu cầu đời sống, Pierre và Marie làm việc quên ăn, quên ngủ. Họ làm việc đến kiệt sức, mà không nhận ra rằng đó là một sự liều lĩnh.

Trong vòng 5 năm sau khi khám phá ra radium năm 1898, Marie sút gần 5 kg, người gày yếu. Còn Pierre thường xuyên bị nhức xương. Ban ngày, công việc làm cho nhà khoa học chú tâm và quên đi tất cả. Nhưng đêm đến, những cơn đau dữ dội có khi khiến anh không chịu nổi, phải rên lên thành tiếng, gương mặt nhăn nhó, ủ dột.

Marie hết đi dạy học ở trường Sèvres, lại mải mê làm thí nghiệm, về nhà phải chứng kiến chồng đau đớn, kêu rên, con ốm, sốt quấy khóc. Tiền chi cho ăn uống không đủ nói gì đến chuyện thuốc men. Còn nỗi vất vả, khổ cực nào hơn thế? Nhưng gương mặt cô vẫn toát lên nét cương nghị lạ thường. Cô chăm sóc con, động viên an ủi chồng.

Lo lắng mỗi khi chồng bị những cơn đau hành hạ, lo lắng cho cuộc sống túng bấn, nhưng Marie vẫn không lùi bước trước những khó khăn, thử thách của cuộc đời. Cô quên rằng mình cũng đang bị sa sút thể lực, mà vẫn say mê nghiên cứu khoa học và một mực tin rằng một ngày kia, họ sẽ chứng minh được sự tồn tại của cái chất thần bí kia để bù đắp cho những năm tháng nhọc nhằn của hai vợ chồng.

Dù làm việc vất vả, hai vợ chồng vẫn dành thời gian cho nghỉ ngơi vì Marie đặc biệt quan tâm tới sức khỏe của con gái. Cô cho rằng các chuyến đi rời xa Paris sẽ rất có lợi cho Irène. Mùa xuân năm 1900, họ tới Normandy.

Mùa hè năm đó, họ ở I’ile de Noirmoutier. Mùa hè năm 1901, Marie ghi trong sổ ghi chép của mình rằng Irène, giờ đã gần bốn tuổi, đã nghỉ một tháng rưỡi ở Jouy en Josas và gần hai tháng với bố mẹ ở Brittany. Làn da cô bé rám nắng vì tắm biển và kết thúc mùa hè với sức khỏe rất tốt.

Một năm sau, gia đình Curie đến một ngôi làng nhỏ tên là Arromanches-les-Bains ở Normandy. Sau mỗi chuyến đi, cả hai vợ chồng đều cảm thấy mệt mỏi, nhưng họ đều không hề biết rằng chính radium đã khiến họ như vậy.

Năm 1899, Marie và Pierre về Ba Lan, nhưng không phải về Warszawa, mà về nhà điều dưỡng cho các bệnh nhân mắc bệnh lao ở vùng núi Zakopane của anh chị Bronia để thăm mọi người. Gia đình Sklodowski có mặt đông đủ. Ông Wladyslaw đã già, nhưng da dẻ vẫn hồng hào, khỏe mạnh. Anh Józef giờ là một bác sĩ có uy tín, đã có vợ và mấy đứa con kháu khỉnh. Anh chị Bronia mở một nhà điều dưỡng.

Chị Hela đang có triển vọng trong ngành giáo dục, còn chồng chị là chủ một hiệu ảnh lớn. Cả nhà đón chàng rể ngoại quốc nồng nhiệt. Marie vui sướng đắm chìm trong tình cảm gia đình sau nhiều năm tha hương.

Nhưng chẳng bao lâu sau chuyến đi đó, ông Wladyslaw bị gãy xương do bị xe đâm. Tuy vậy, ông vẫn hồi phục lại được và tiếp tục liên lạc với con gái út. Tháng Năm năm 1902, Marie nhận được tin bố ốm nặng, phải mổ túi mật và lấy ra nhiều viên sỏi to. Ngay lập tức, cô trở về quê hương, nhưng không kịp.

Trên đường đi, cô đã nhận được tin bố qua đời. Marie chỉ có thể nhìn mặt lần cuối người cha yêu dấu đang nằm trong cỗ quan tài. Nỗi đau đan xen với nỗi ân hận vô bờ. Cô tự vò xé lương tâm mình vì đã rời xa Tổ quốc, xa người cha già đã mong mỏi được sống cùng con gái út. Cô cũng ân hận vì không thể bên bố những giây phút cuối đời. Trong thoáng chốc, hình bóng người cha già một mình đứng lặng nhìn theo toa xe chở cô đi Paris ngày nào lại hiện về như mới hôm qua. Mắt Marie nhòe đi. Cô nghe đâu đây văng vẳng giọng nói nghẹn ngào của bố:

- Phải, Manya của bố. Trở về nhanh nhé! Cố học cho tốt, con ạ! Chúc con may mắn!

Marie chỉ cảm thấy được an ủi phần nào khi biết rằng ông Wladyslaw rất tự hào vì cô đã tiếp bước giấc mơ nghiên cứu khoa học không thể thành hiện thực của ông.

Nỗi đau này chưa nguôi, nỗi đau khác lại ập đến. Tháng 8/1903, Marie có thai, rồi đẻ non ở tháng thứ năm của thai kì. Đứa con gái tội nghiệp mà Marie và Pierre mong chờ chào đời từng ngày đã không thể giữ được. Tiếp theo là tin con trai thứ hai của anh chị Bronia lúc đó đã năm tuổi lại mất đột ngột vì viêm màng não.

Nỗi đau nối tiếp nỗi đau, xé nát tâm can của người phụ nữ phi thường. Ngoài những nỗi đau đó, Marie còn lo lắng cho sức khỏe của chồng đang ngày càng suy giảm. Tuy vậy, cô vẫn đứng vững và làm được nhiều điều kì diệu trong những năm tháng tiếp theo sau.

Nguồn: Zingnews

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết