Sách là một phần của văn hóa

Sách là một phần của văn hóa

Trần Huế
Thứ Hai, 20/02/2023
Nội dung bài viết

Sách là một phần của văn hóa. Trong Đại hội toàn quốc về văn hóa ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Phát triển văn hóa đọc là phát triển con người, phát triển trí tuệ.

Sách là nơi lưu giữ những bài học quý giá của nhân loại. Bác Hồ kính yêu của chúng ta là một tấm gương điển hình về tinh thần tự học. Bác đã tự đọc hàng nghìn cuốn sách các loại và trở thành một trong những vĩ nhân của lịch sử.

Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln cũng chưa học hết tiểu học nhưng ông đã nói rằng cuộc đời ông chịu ảnh hưởng bởi bốn tác phẩm của bốn tác giả lớn đó là: Kinh thánh của Vua James; nhà toán học Euclid; nhà luật học Blackstone và nhà văn Shakespeare.

Những cuốn sách là người bạn đồng hành lý tưởng của con người. Ảnh: Greg Funnell.

Một cuốn sách nhỏ có thể làm thay đổi một suy nghĩ, thay đổi một cuộc đời con người. Một trang sách nhỏ có thể nuôi dưỡng một ước mơ cho một cuộc đời vĩ đại.

Đọc cũng là học. Đọc là một quá trình tự học chủ động, một cách tự giáo dục có mức chi phí thấp nhất. Đọc sách để làm giàu thêm suy nghĩ, ý tưởng. Cội nguồn của suy nghĩ là hành động, chỉ có hành động mới tạo ra kết quả.

Chúng ta không nên giới hạn, bó hẹp kiến thức trong nhà trường mà cần phải bổ sung, mở rộng kiến thức các lĩnh vực khác thông qua việc đọc để nâng cao hiểu biết, mở rộng nhận thức để làm tăng sức mạnh trí tuệ. Tri thức là tài sản của mỗi cá nhân, là sức mạnh của tập thể và là nguồn lực của mỗi quốc gia.

Văn hóa đọc của quốc gia chúng ta hiện nay đang rất yếu so với các quốc gia trong khu vực và các nước trong phát triển, đặc biệt trong thời đại hiện nay khi khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và hấp dẫn thì việc dành thời gian cho hoạt động đọc sách của mỗi người sẽ ngày càng trở nên khó khăn và thử thách hơn. Vì vậy, việc hình thành thói quen đọc sách mỗi ngày cho người dân càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.

Sách là kho tàng kiến thức của nhân loại. Ảnh: Hoàng Lâm.

Lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng sự sáng tạo chỉ được dựa trên một nền tảng kiến thức dồi dào và một trí tưởng tượng phong phú. Chỉ có sự sáng tạo và một trí tượng tưởng phong phú mới có thể tạo ra được những thay đổi đột phá cho nhân loại. Và sách là một người thầy, một người bạn làm cầu nối tạo nên những điều kỳ diệu đó.

Âm thầm và lặng lẽ, bình dị mà vĩ đại, những trang sách mỏng manh nhưng đã mang cho con người một giá trị lớn lao. Nhưng rất tiếc những giá trị lớn lao ấy hiện nay ở quốc gia Việt Nam chúng ta còn đang bị coi nhẹ, chưa được ưu tiên, chưa được quan tâm cho hoạt động này. Đây là một sự lãng phí về tài nguyên trí tuệ, về phát triển con người.

Xây dựng thói quen đọc sách cho cộng đồng là một nhiệm vụ quan trọng và cao cả. Sức mạnh của nhiều cá nhân sẽ trở thành sức mạnh của cộng đồng. Phát triển văn hóa đọc là một hành trình dài và cần có sự chung tay của nhiều các cơ quan, ban ngành và các doanh nghiệp cùng nhau gánh vác sứ mệnh lớn lao này để đưa phong trào đọc sách tới các gia đình, các cơ quan và doanh nghiệp. Trí tuệ của cộng đồng sẽ trở thành sức mạnh của quốc gia.

Một thói quen đọc sách không thể hình thành được khi ý thức, quan điểm của mỗi người chưa có sự quan tâm đến hoạt động đọc. Một phong trào văn hóa đọc không thể có được khi mỗi gia đình không có một tủ sách hoặc những cuốn sách trong ngay chính những ngôi nhà của mình. Một quốc gia không thể phát triển văn hóa đọc khi những điểm văn hóa đọc công cộng còn hoạt động yếu ớt và thưa thớt.

Mrs Kim Thoa - CEO Tân Việt Books

 

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết