Tặng sổ tiết kiệm tương lai cho con bằng sách
Trần Huế
Thứ Năm,
11/01/2024
Nội dung bài
viết
Giai đoạn đầu đời, năng lực trí não của trẻ phát triển mạnh. Giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách sớm chính là cha mẹ đang trang bị cho con phẩm chất tốt trong tương lai.
Nuôi dưỡng tình yêu đọc sách cho con từ nhỏ chính là vun đắp cho con những phẩm chất tốt.
“Xây dựng thói quen đọc sách cho con từ nhỏ là trao cho con tài sản lớn trong tương lai”. Đó là slogan mà Tân Việt Books - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, phát hành sách - treo trên tường công ty. Bà Nguyễn Kim Thoa - CEO công ty, đồng thời là diễn giả tiếp lửa văn hóa đọc - cho biết khẩu hiệu đó chính là tinh thần mà đội ngũ làm sách gửi gắm trong mỗi ấn phẩm cho thiếu nhi.
Trong chương trình "Bí kíp xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ sớm" diễn ra tại Hà Nội cuối tuần qua, hai diễn giả là CEO Kim Thoa và nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu đã chia sẻ về tầm quan trọng của việc giúp con yêu đọc sách.
Hãy để ý thức ăn tinh thần cho con
Dẫn cuốn sách Trẻ em là thiên tài của Makoto Shichida (một nhà giáo dục nổi tiếng của Nhật), bà Kim Thoa khẳng định năng lực trí não của con người phát triển nhất ở giai đoạn 0-8 tuổi. Đó là giai đoạn mà tế bào não hoạt động mạnh mẽ nhất, năng lực trí não sẽ được định hình trong giai đoạn này.
Những năm đầu đời là thời kỳ "thiên tài" nhất trong cả cuộc đời con người, do đó cha mẹ nên bắt đầu giáo dục con trong giai đoạn này. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh lại có quan điểm ngược, cho rằng "trẻ em biết gì đâu mà dạy".
"Khi con còn nhỏ, chúng ta đừng nên chỉ quan tâm con ăn được bao nhiêu ml sữa, được bằng nào cháo. Mà hãy để ý đến 'thức ăn tinh thần' của con. Thức ăn tinh thần chính là ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh mà con tiếp nhận", bà Kim Thoa nói.
Theo bà Kim Thoa, ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh là nguyên liệu giúp con trẻ phát triển não bộ. Số lượng âm thanh, ngôn ngữ, từ vựng mà trẻ nghe được ở tuổi ấu thơ sẽ tỷ lệ thuận với trí thông minh của con trong tương lai.
Sách truyền thống với hình ảnh, ngôn ngữ và sách công nghệ với âm thanh hiện đại sẽ là "nguyên liệu" tốt lành cho con. Bà Thoa khẳng định việc giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách chính là cha mẹ đang tặng một cuốn sổ tiết kiệm lớn cho tương lai của con.
Trong cuốn Dạy trẻ biết đọc sớm, tác giả Glenn Doman khẳng định khi dạy trẻ biết đọc sớm, cha mẹ đã mang lại cho con mình một lợi ích đầy quyền năng theo suốt cuộc đời bé. Quá trình giúp trẻ yêu thích sách, dạy con đọc, những cuốn sách thú vị, hấp dẫn cũng sẽ mang cha mẹ và con cái đến gần nhau hơn, thiết lập một mối quan hệ học hỏi và yêu thương lâu bền.
Bà Kim Thoa (trái) và bà Hải Âu trong buổi trò chuyện về xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ.
Không thể bảo con yêu sách nếu cha mẹ không đọc
Nếu các cuốn sách mà CEO Kim Thoa nêu là lập luận chắc chắn về lợi ích của việc cho trẻ đọc sách sớm thì câu chuyện của nhà báo Hồ Thị Hải Âu chính là minh chứng xác thực. Nhà văn, nhà báo Hồ Thị Hải Âu là người mẹ đã nuôi dạy con gái giành học bổng toàn phần của Đại học Harvard.
Năm 2014, con gái Lã Hồ Thị Minh Khuê của nhà văn Hồ Thị Hải Âu đã nhận học bổng trị giá 320.000 USD cho 4 năm học (bao gồm học phí, tiền sinh hoạt, tiền bảo hiểm, vé máy bay khứ hồi Mỹ - Việt 2 lần một năm…), bên cạnh đó còn có chi phí cho gia sư những môn nghệ thuật mà Khuê cần tới, đi du lịch.
Trong Mẹ Việt dạy con bước cùng toàn cầu - cuốn sách đúc kết hành trình nuôi dạy con của mình - bà Hải Âu luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đọc sách. Từ khi con gái 4 tuổi, bà Hải Âu đã hướng dẫn, đồng hành cùng còn làm quen và đọc sách. Nhờ đọc sách mà con gái Minh Khuê đạt nhiều thành tựu, không chỉ trong học tập mà vững vàng trong cuộc sống. Năm 17 tuổi, Minh Khuê cũng từng thực hiện buổi hòa nhạc và triển lãm, số tiền tgây quỹ cô góp được 22 tủ sách cho dự án Sách hóa nông thôn.
"Chúng ta muốn con được phẩm chất kim cương khi lớn, ta phải đồng hành, hỗ trợ cho con tăng tiến phẩm chất kim cương ngay từ khi con còn bé", bà Hải Âu nói. "Nắn cây từ thuở còn non, Dạy con từ thuở con còn bé thơ", các cụ đã nói rất hay như vậy. Theo bà Hải Âu, việc đơn giản để xây dựng thói quen đọc sách cho con là hãy dạy con yêu sách từ bé.
"Ta phải hình thành một không gian cho sách, có thư viện, giá sách. Con cần được bồi đắp, nảy mầm tình yêu với sách", bà Hải Âu nói.
Đặc biệt, bà nhấn mạnh vai trò làm gương của cha mẹ. Bố mẹ cũng phải đọc sách, yêu sách. Nếu ta không làm điều ấy thì rất khó nói "Con hãy bỏ điện thoại xuống và cầm sách lên".
Con trưởng thành, bố mẹ cũng rất cần trưởng thành. Bố mẹ tìm kiến thức trong sách để giải đáp những thắc mắc của con, điều con học. Đồng hành với con không chỉ là cho con ăn những bữa rất ngon theo ý con đòi hỏi. "Đồng hành là cùng chơi, cùng học, cùng tìm bạn tốt cho con. Sách là một trong những người bạn tốt với con", bà Hải Âu nói.
Theo Minh Phương/Znews.