Thời điểm Marilyn Monroe bắt đầu nổi loạn

Thời điểm Marilyn Monroe bắt đầu nổi loạn

Ngô Diệu Ly
Thứ Hai, 20/06/2022
Nội dung bài viết

Năm 1953 là thời điểm Marilyn đột phá trong sự nghiệp và đó cũng là năm cô bắt đầu nổi loạn.

Trong lúc thực hiện phim nhựa Gentlemen Prefer Blondes, Marilyn đã được bố trí một phòng riêng biệt. Dù là nữ minh tinh ăn khách nhất phòng vé lúc bấy giờ, nhưng thù lao trong phim nhựa lần này của Marilyn còn kém cả Jane Russell – nữ minh tinh cùng thủ vai chính bên cạnh cô trong bộ phim.

Áp lực làm việc đã khiến Marilyn bị tổn hại cả về thể chất lẫn tinh thần. Cách đó không lâu, Marilyn vừa đóng máy phim How to Marry a Millionaire (tạm dịch: Làm cách nào để kết hôn với triệu phú) – vai nữ chính thứ ba chỉ trong vòng chín tháng ngắn ngủi.

Quá trình làm việc không ngừng nghỉ kéo theo chứng đau nửa đầu, mất ngủ, nhiễm virus và viêm phế quản liên tục hành hạ cơ thể Marilyn. Cô đã suy yếu rõ rệt. Marilyn thường xuyên tỉnh giấc với trạng thái run rẩy, căng thẳng tột độ và phải dùng đến thuốc giảm đau trước khi rời khỏi giường.

Cô cũng hay bị nôn mửa, chẳng thể dùng bữa như bình thường. Giống như hàng loạt ngôi sao hoạt động trong guồng máy Hollywood khắc nghiệt, Marilyn được chẩn đoán mắc chứng thiếu máu. Điều đó đồng nghĩa với việc cô phải tiêm vitamin B và uống hỗn hợp cà chua xay nhuyễn cùng gan.

Đó là thức uống có mùi vị tệ nhất trên đời. “Tôi cảm thấy không ổn chút nào. Và tôi cảm thấy sợ...”Marilyn đã nói với Modern Screen như vậy.

Thật kì lạ khi nghe Marilyn thốt lên những lời đó. Cô ấy là Marilyn Monroe. Marilyn Monroe là ai cơ chứ? Nữ minh tinh nổi tiếng nhất thế giới, người tình gợi cảm được cả nước Mỹ tôn sùng, vẫn đang là tài sản sống của hãng phim Twentieth Century Fox. Và cô ấy đang bất lực trước tình trạng của chính mình.

Nhìn lại năm 1950, hãng phim kiểm soát mọi thứ từ vai trò mà diễn viên đảm nhận, tần suất họ đi vệ sinh và thậm chí quản cả người mà họ kết hôn. Những gã đứng đầu hãng phim thường không mấy tôn trọng diễn viên dưới trướng. Đặc biệt là phụ nữ. Các đạo diễn tìm mọi cách để bắt nạt các nữ minh tinh bằng cách thể hiện sự thất vọng công khai, bất chấp diễn viên có cố gắng đến đâu.

Marilyn hiển nhiên là con mồi trong tầm ngắm, bởi cô mong manh đến mức rất dễ bị bắt nạt: “Họ sẽ bảo bạn diễn cảnh rơi một giọt nước mắt. Và khi bạn trót để rơi giọt nước mắt thứ hai...

Điều đó không hay chút nào. Họ sẽ bắt bẻ bạn đến từng từ trong kịch bản, bất kể thay đổi đó là đúng hay sai. Một nữ diễn viên không phải là cỗ máy, nhưng họ vẫn đối xử với bạn như thế đấy!”

Tự bản thân Marilyn hiểu rằng, cô ấy xứng đáng được ưu tiên nhiều hơn từ hãng phim Fox. Chỉ riêng năm nay, Marilyn đã mang về cho hãng phim lượng doanh thu phòng vé khổng lồ. Nhờ Marilyn, những gã ấy đã có thể xây dựng quyền lực đáng gờm.

 

Marilyn Monroe anh 2

Marilyn Monroe - biểu tượng sắc đẹp của thế giới. Nguồn: T.V.

Và đổi lại, họ xem Marilyn như chiếc máy in tiền ngốc nghếch không hơn không kém. Giám đốc điều hành hãng phim, Darryl Zanuck, từng phát ngôn rằng: “Marilyn có cảm xúc như một đứa trẻ con” và “tầm nhìn kém cỏi” để tự vạch ra con đường sự nghiệp diễn xuất cho cô ấy. “Tầm nhìn kém cỏi” ấy đã mang về doanh thu phòng vé chiếm đến một nửa doanh thu trong năm của hãng.

Hãng Fox đã đẩy Marilyn trở thành tâm điểm chính cho River of No Return (tạm dịch: Dòng sông không quay trở về). Một phim nhựa với kịch bản ngớ ngẩn và không thể rẻ tiền hơn. Thậm chí tiêu chuẩn của River of No Return còn thấp hơn cả “tầm nhìn kém cỏi” của Darryl Zanuck.

Marilyn sẽ vào vai Kay, một cô gái làng chơi rẻ tiền kiêm nữ ca sĩ hát tại các hộp đêm. Nữ minh tinh gần như phát ốm lên với những vai diễn thế này. Marilyn phải diễn xuất trong đôi giày cao lêu nghêu, trơn trượt trên sàn nhà đầy mồ hôi, chịu đựng những ánh nhìn châm chọc, khinh bỉ từ những gã điều khiển máy quay.

Cô ghét bị bắt ép đóng những cảnh quay lẳng lơ, ngớ ngẩn và càng căm ghét Zanuck nhiều hơn. Gã đàn ông gọi Marilyn là “đầu rơm” sau lưng nữ minh tinh. Marilyn bị mắc kẹt trong bản hợp đồng với hãng phim và phải cắn răng chịu đựng thêm một vai diễn khác mà cô chắc mười mươi sẽ lại hạ thấp danh tiếng chính mình.

Marilyn khao khát vai diễn đầy tính xác thịt, gợi cảm và táo bạo như Hedda Gabler hoặc Grushenka trong The Brothers Karamazov (Anh em nhà Karamazov). Thời điểm đó, Marilyn vừa đọc cuốn tiểu thuyết Nana của nhà văn Pháp Émile Zola.

Ngay lập tức, Marilyn yêu ngay nhân vật cô gái điếm Nana và hào hứng gọi điện cho George Cukor để xin lời khuyên cho một tác phẩm điện ảnh chuyển thể. Tuy nhiên, Cukor - một vị “đạo diễn của phụ nữ” đã đẩy cả kế hoạch xuống biển.

Ông cho rằng dự án của Marilyn quá mạo hiểm, và không có lòng tin khán giả sẽ hưởng ứng một tác phẩm “suy đồi” được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết của Pháp ra đời từ tận thế kỉ 19.

Hơn lúc nào hết, Marilyn cần một người tin tưởng cô tuyệt đối. Cô ấy đã bắt đầu tuyệt vọng. Marilyn không có cơ hội thực hiện mong muốn của mình. Không ai tin tưởng vào năng lực của cô cả. Hãng phim Fox, Paramount, MGM và thậm chí cả thành phố LA dường như lần lượt đóng sầm cánh cửa hy vọng trước mặt Marilyn.

Cô ngột ngạt đến mức cảm giác như mình sẽ chết dưới ánh mắt chế nhạo của những kẻ xem thường nghệ thuật. Nghệ thuật tại nơi đây chỉ như một nền công nghiệp sản xuất đồ hộp. Những gã được xem là “ông lớn” kia cũng chỉ đặt tiền lên trên tất cả.

Cuộc chiến này cần một kẻ ngoại đạo, một nghệ sĩ, một nhiếp ảnh gia có chất giọng Brooklyn dịu dàng. Người đó sẽ là đồng minh, thắp lên ngọn lửa nổi loạn của Marilyn, tiếp thêm sức mạnh để cô ấy có thể thách thức Darryl Zanuck và thay đổi cách vận hành cũ kĩ của hãng phim này một lần cũng như mãi mãi.

Nguồn: zingnews.vn

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết