Vì sao cần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ?

Vì sao cần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ?

Trần Huế
Thứ Ba, 25/07/2023
Nội dung bài viết

Đây là nội dung trong chương trình tập huấn "Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ" nhằm nâng cao ý thức của mọi người trong việc xây dựng văn hóa đọc sách cho trẻ em.

Bà Kim Thoa - CEO Tân Việt Books - chia sẻ tại sự kiện.

Sáng 9/7 tại Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên), UBND huyện Yên Mỹ; Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Yên Mỹ phối hợp Tân Việt Books thực hiện chương trình tập huấn "Xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ từ nhỏ".

Chương trình có sự tham gia của diễn giả chính là bà Kim Thoa, CEO Tân Việt Books cùng các đại biểu, cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và các bậc phụ huynh trường mầm non trên địa bàn huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên).

Phát biểu trong chương trình, bà Nguyễn Thị Như Trang, chuyên viên phòng Giáo dục & Đào tạo huyện Yên Mỹ, nói: "Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ trong độ tuổi mầm non, việc tiếp xúc với sách và có thói quen đọc sách đem lại các hiệu quả vô cùng tuyệt vời. Đọc sách giúp trẻ tập trung, nghe - hiểu tốt hơn và kích thích trí tưởng tượng, tăng tính tò mò, ham học hỏi và tìm hiểu về thế giới xung quanh".

Quang cảnh buổi talkshow. 

Diễn giả Kim Thoa đưa ra các dẫn chứng về phương pháp giáo dục sớm ở trẻ của các giáo sư hàng đầu thế giới về lĩnh vực này. Các nhà giáo dục học như Glenn Doman, Montessori, Makoto Shichida… đều chỉ ra rằng từ 0-6 tuổi là giai đoạn não bộ của trẻ hoạt động mạnh mẽ nhất.

Đặc biệt là bán cầu não phải - nơi chứa đựng các năng lực siêu nhiên, vượt trội của con người, nếu được kích hoạt đúng vào thời điểm này, nó sẽ giúp trẻ phát huy các năng lực thuộc về thiên tài. Sau giai đoạn này, bán cầu não phải sẽ gần như đóng lại để nhường chỗ cho hoạt động của bán cầu não trái.

Sự khác biệt giữa não bộ của một người bình thường với một thiên tài nằm ở cách tác động, kích thích bằng ngôn ngữ, âm thanh, hình ảnh,… từ bên ngoài vào bên trong thông qua 5 giác quan. Trong 5 giác quan đó, hoạt động đọc có liên quan trực tiếp tới 3 giác quan (thị giác, thính giác, xúc giác).

Chính vì vậy, việc dạy trẻ đọc sách không chỉ giúp trẻ học được ngôn ngữ, âm thanh mà còn là cách để đánh thức các năng lực vượt trội nằm sâu trong bán cầu não phải của trẻ. Đây là hoạt động cần thiết để trẻ được đánh thức trí tuệ, làm nền tảng cho sự phát triển tư duy trong tương lai.

Theo bà Kim Thoa, hành động được lặp đi lặp lại sẽ tạo thành thói quen, và thói quen nếu muốn duy trì tốt, cần được hình thành từ nhỏ. Do đó, bà Thoa khuyến khích các vị phụ huynh xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ bằng những bước như: Cha mẹ phải là người đầu tiên hiểu được giá trị của việc đọc, mua sẵn những cuốn sách trong nhà, tạo góc đọc thân thiện trong phòng cho con.

Cha mẹ thường xuyên đọc sách cùng con và chia sẻ những câu chuyện xung quanh sách, cho con đến thư viện và nhà sách… Trong đó, một bước quan trọng là cha mẹ cần đọc sách để làm gương cho con, bởi cha mẹ chính là tấm gương phản chiếu của con cái.

CEO Kim Thoa trao quà cho hai trường mầm non của huyện Yên Mỹ.

Trong khuôn khổ sự kiện, bà Kim Thoa đã trao những phần quà là sách cho đại diện hai trường mầm non Thanh Long và mầm non thị trấn Yên Mỹ.

Theo ông Đỗ Văn Hải, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Yên Mỹ, văn hóa đọc là điều quan trọng cần được phát triển và việc đọc sách rất cần được tạo dựng từ khi trẻ còn nhỏ. "Thông qua sự kiện này, tôi mong các thầy cô, các bậc phụ huynh có thể hiểu và nắm được các phương pháp giúp tạo thói quen đọc sách cho con em mình", ông Đỗ Văn Hải nói./

Theo Dân tríVì sao cần xây dựng văn hóa đọc cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ? | Báo Dân trí (dantri.com.vn)

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết