Cuốn sách dẫn cô gái Viettel đi tìm bí mật của Xiaomi

Cuốn sách dẫn cô gái Viettel đi tìm bí mật của Xiaomi

Linh Linh
Thứ Năm, 05/01/2023
Nội dung bài viết

“Thung lũng Silicon” của Trung Quốc đang phát triển nhanh chóng và ở đó những công ty như Xiaomi ấp ủ kế hoạch thống trị thế giới. Hành trình từ một công ty phần mềm nhỏ cho đến khi trở thành một trong những Tập đoàn trẻ nhất lọt top danh sách Fortuner 500 toàn cầu (2019). Thương hiệu Xiaomi hẳn nhiên có nhiều điều thú vị cần được giải mã.

Ngày nảy ngày nay, có một quốc gia được cho là đã âm thầm, tự lực vươn lên vị trí số 1 ở nhiều lĩnh vực công nghệ cao khiến cả thế giới ngỡ ngàng, và đó là Trung Quốc. Để tìm hiểu về một Trung Quốc hiện đại và vĩ đại thì bạn đừng bỏ qua những cuốn sách viết về các Tập đoàn kinh tế hàng đầu ở đất nước tỷ dân này.

"Xiaomi - Hành trình một công ty khởi nghiệp trở thành thương hiệu toàn cầu" là một cuốn sách như thế.

Cuốn sách gồm 6 chương nhưng nội dung chính có thể tóm tắt gồm 3 phần chính:

- Các yếu tố lịch sử, địa chính trị, địa kinh tế có tác động rất lớn tới doanh nghiệp

- Chiến lược công nghệ theo mô hình ba môn phối hợp bao gồm phần cứng, phần mềm và dịch vụ Internet

- Chiến lược lấy khách hàng làm trung tâm

Bối cảnh lịch sử

Khoảng giữa thập niên 2000, Trung Quốc trở thành quốc gia có số dân thuộc tầng lớp trung lưu phát triển nhanh nhất thế giới, chuyển từ vị trí nhà sản xuất chính trở thành cả nhà sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ. Điều này có ý nghĩa quan trọng vì khi ngày càng nhiều người Trung Quốc có thu nhập khả dụng thì nhu cầu sử dụng điện thoại di động cũng tăng vọt theo cấp số nhân và khoảng trống trên thị trường điện thoại thông minh cần được lấp đầy. Trong khi đó, các công ty như Nokia, Motorola… do chậm đổi mới mà ngày càng gặp khó khăn trong việc đưa sản phẩm đến các vùng nông thôn hẻo lánh. Không một công ty nào trong số này chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng thị trường mới nổi. Các mẫu điện thoại đang sản xuất không được tùy chỉnh cho người Trung Quốc chẳng hạn như ngôn ngữ, hình nền, hay lịch âm và người Trung Quốc khao khát có các lựa chọn thay thế.

Gần như chỉ sau một đêm, các nhà sản xuất điện thoại địa phương đầy táo bạo đã ồ ạt tung ra các thiết bị nội địa giá rẻ tại các nhà máy “nghiệp dư” được gọi là “Sơn trại” trong tiếng Quảng Đông có nghĩa là cơ sở sản xuất hàng nhái, hàng không có bản quyền, hàng copy. Một nhân viên Nokia từng nói nửa đùa nửa thật rằng: các doanh nghiệp Trung Quốc đã sản xuất ra một chiếc smartphone với tốc độ nhanh hơn cả khoảng thời gian chúng ta chỉnh sửa một bản thuyết trình powerpoint. Họ nhanh, họ rẻ và họ đang thách thức chúng ta. Cuộc chiến giữa các thiết bị giờ đây đã trở thành cuộc chiến giữa các hệ sinh thái. Chúng không chỉ bao gồm phần cứng và phần mềm của thiết bị mà còn bao gồm cả thương mại điện tử, quảng cáo, công cụ tìm kiếm, ứng dụng xã hội truyền thông hợp nhất và nhiều thứ khác

Khi Google ra mắt Android vào năm 2008 đó chính là thời khắc cuộc chơi hoàn toàn thay đổi. Con chíp nhỏ bé của MediaTek đã gieo rắc diệt vong cho những huyền thoại lâu đời như Nokia Motorola khi hàng nghìn nhà máy sơn trại không bị gánh nặng bởi chi phí nghiên cứu và thiết kế, giờ đây có thể sản xuất hàng triệu chiếc điện thoại với đủ mọi hình dạng kích cỡ mà giá chỉ bằng 1/5 mức giá bình thường. Con chíp tích hợp này đã hạ thấp ngưỡng tham gia sản xuất điện thoại di động đến mức các nhà quản lý nhận thấy rằng: việc ngăn chặn sự phát triển như nấm của các công ty bất hợp pháp sẽ quá tốn kém.

Sự ra đời của Xiaomi nằm trong giai đoạn ngành công nghiệp điện thoại di động ở Trung Quốc đang bùng nổ để nhanh chóng cất cánh trở thành “quái thú lõi kép có giá cả phải chăng” (theo cách gọi của Tech in Asia). Lôi Quân - nhà sáng lập Xiaomi, một người vô cùng tháo vát và ưu tú đã từng nói rằng “ngay cả một con lợn cũng có thể bay nếu nó đứng ở tâm lốc xoáy” để chỉ bối cảnh đặc biệt thiên thời, địa lợi giúp sức cho Xiaomi. Lôi Quân cùng với Jack Ma (Alibaba) và Mã Hoa Đằng (Tencent) thường được gọi là những kẻ khuấy đảo Trung Quốc vì đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của thế giới về Trung Quốc ngày nay từ vùng đất của những phân xưởng tồi tàn và hàng nhái rẻ tiền trở thành nơi phát triển công nghệ bậc nhất.

Tuy nhiên, đây chỉ là cách nói khiêm tốn. Để một công ty như Xiaomi có thể thành công, họ phải có những doanh nhân hết mực kiên trì, hành vi ám ảnh, khả năng tiếp thị khôn khéo và sự am hiểu thấu đáo về thế hệ người dùng Trung Quốc.

Bay cao bay xa

Bước ngoặt bắt đầu vào giai đoạn thập niên 2000, ông Lôi đã nhận ra rằng tương lai chắc chắn sẽ thuộc về Internet di động. Điện thoại di động và internet sẽ là hai xu hướng lớn nhất giúp định hình cuộc sống tương lai. Lôi Quân mong muốn xây dựng một công ty đủ lớn và đủ thành công cho xứng tầm với tham vọng vĩ đại của mình. Đề xuất của ông Lôi xoay quanh niềm tin rằng điện thoại thông minh sẽ trở thành thiết bị điện toán phổ biến nhất mà mọi người sẽ sử dụng đồng thời các thương hiệu mới sẽ được xây dựng bán trực tuyến và kết nối chặt chẽ với người tiêu dùng trực tuyến.

Lôi Quân bắt đầu quan tâm đến việc vươn ra thế giới còn được gọi với thuật ngữ là bàn tay Quốc tế thông qua việc bổ nhiệm cựu lãnh đạo Google Hugo Barra trở thành phó chủ tịch Xiaomi vào năm 2013 báo hiệu một chương mới trong lịch sử công ty. Cùng thời điểm, ông Tập Cận Bình chuyến thăm chính thức tới Indonesia và Kazakhstan lần đầu công khai về một sáng kiến mới: một vành đai một con đường của Trung Quốc nhằm xây dựng thị trường lớn. Thập niên 2010 đã trở thành kỷ nguyên Trung Quốc, kỷ nguyên của lĩnh vực điện tử tiêu dùng với thế hệ mới gồm những doanh nhân khôn ngoan và kỹ sư thông minh được trang bị bài học kinh nghiệm từ các bậc tiền bối đi trước

Chiến lược tiếp thị đặc biệt

Trong khi hầu hết các công ty công nghệ khác tập trung vào phần cứng hoặc phần mềm, Xiaomi làm việc với cả hai cùng một lúc. Cho đến thời điểm năm 2013, Xiaomi vẫn chưa hề chi một đồng nào cho hoạt động tiếp thị gần như họ chỉ dựa vào quảng cáo truyền miệng và thương mại trực tuyến. Đây là triết lý tiếp thị phi chính thống: luôn ưu tiên người dùng của mình, tìm hiểu về họ và quan trọng nhất là làm hài lòng họ.

Thành công của Xiaomi dựa trên nhiều yếu tố khác nhau từ giá cả cạnh tranh, đến tỉ suất lợi nhuận thấp, nhưng rốt cuộc nếu có một điều thực sự làm nên sự khác biệt của công ty này thì đó chính là một mô hình người dùng độc đáo. Xiaomi luôn nhiệt thành lắng nghe người dùng và điều đó mang lại cho hãng một lợi thế riêng biệt so với đối thủ cạnh tranh. Phương pháp tiếp thị dựa trên người hâm mộ của Xiaomi là liều thuốc giải độc cho sự thận trọng mà khách hàng đã hình thành đối với quảng cáo truyền thống. Quyết định đúng về phía người dùng hay đúng hơn là thiết kế sản phẩm một cách dân chủ mang lại kết quả phi thường. Nó không chỉ giúp Xiaomi tránh được nhiều sai lầm lớn mà còn được người hâm mộ tạo điều kiện giúp cho Xiaomi toàn cầu hóa tốt hơn.

Ví dụ ở Trung Quốc tập đoàn này có tích hợp một bộ lọc làm đẹp trên ứng dụng máy ảnh của mình nhưng tại Ấn Độ do người hâm mộ phản đối gay gắt ý tưởng này nên họ đã không đưa tính năng đó vào. Tương tự như vậy, người hâm mộ Ấn Độ yêu cầu một con chip tần số vô tuyến trong điện thoại để nó có thể làm điều khiển từ xa cho tivi và các thiết bị khác như máy điều hòa con chip này trở thành tính năng phổ biến trong các điện thoại của Xiaomi. Thứ sáu hàng tuần được coi là thứ sáu màu da cam, Xiaomi sẽ xuất xưởng một phiên bản MIUI mới. Thái độ khẩn trương trong việc phân phối sản phẩm đã giúp Xiaomi tạo dựng mối quan hệ sâu đậm với người dùng. Hãy tưởng tượng bạn đang giao tiếp hàng ngày với người dùng. Với tần suất giao tiếp như vậy, mối quan hệ của Xiaomi với người dùng trở nên thân mật hữu cơ và dựa trên đối thoại.

Thay vì làm người dùng ngạc nhiên với các sản phẩm mới như các hãng khác, Xiaomi lại chứng tỏ thực ra họ đang rất chú ý đến nhu cầu của người dùng và xây dựng sản phẩm của mình cho phù hợp với nhu cầu đó. Đây được chứng minh là cách thức khôn khéo để giữ trọn lòng trung thành của người hâm mộ. Mô hình tiêu dùng có sự tham gia của người dùng từng rất thành công với Ikea, Lego, Kickstarter, và sau này là Tik Tok. Không tạo quảng cáo mà là tạo nội dung tốt. Tính nhanh nhạy, mềm dẻo, chiều khách, linh hoạt vốn được coi là truyền thống ngàn đời của những nhà buôn Trung Quốc.

Cuốn sách khép lại với những câu hỏi mở: Điều tiếp theo sẽ là gì để có thể dẫn đầu cuộc đua này? Liệu có trở ngại nào có thể khiến Xiaomi phải trả giá đắt về lâu dài hay không? Thật khó dự đoán được tương lai, khó mà xác định được nhược điểm chí mạng của Xiaomi có thể là gì? Vì vậy, cuốn sách giới hạn các dự báo trong việc phân tích một số xu hướng lớn đang diễn ra trên thị trường.

Xiaomi sẽ còn phải tiếp tục đối mặt với vấn đề bằng sáng chế, vấn đề địa chính trị, địa kinh tế mới trên thế giới,…

Xiaomi cũng phải cạnh tranh gay gắt ngay tại thị trường Trung Quốc.

Đại dịch Covid và cuộc chiến vì quyền riêng tư vẫn là một vấn đề nóng.

Hầu hết mọi người vẫn coi Xiaomi như một công ty điện thoại thông minh nhưng tham vọng của họ vượt xa hơn thế nhiều và mục tiêu của cuốn sách là làm sáng tỏ chiến lược của Xiaomi để trở thành 1 tập đoàn công nghệ và cốt lõi lấy người dùng làm trung tâm của chiến lược đó.

Theo: Viettel Family

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết