“Đội nhóm tuyệt đỉnh” - Học cách xây dựng đội nhóm từ Pixar, Netflix, Airbnb

“Đội nhóm tuyệt đỉnh” - Học cách xây dựng đội nhóm từ Pixar, Netflix, Airbnb

Linh Linh
Thứ Hai, 06/02/2023
Nội dung bài viết

“Đội nhóm tuyệt đỉnh” là một cuốn sách rất thú vị giúp chúng ta hiểu mình và hiểu tập thể, giúp ban lãnh đạo công ty, các trưởng nhóm và chuyên gia nhân sự suy nghĩ về việc xây dựng các đội nhóm xuất sắc theo những cách mới, thấu hiểu để cộng tác thành công.

Có một thực tế, mặc dù dấu ấn cá nhân thường được nhớ đến nhiều hơn nhưng hầu hết mọi thành tựu to lớn trong xã hội và kinh doanh đều là kết quả của những nhóm nhỏ cùng làm việc hướng tới mục tiêu đầy tham vọng. Không phải cá nhân, đội nhóm mới tạo ra sự khác biệt, cung cấp những giá trị to lớn cho tổ chức.

Cuốn sách “Đội nhóm tuyệt đỉnh” của Robert Bruce Shaw đã phân tích sự khác biệt dẫn đến thành công của các đội nhóm xuất sắc từ Pixar, Netflix, Airbnb và nhiều công ty công nghệ khác, trong khi số đông đều thất bại. Từ đó ông đưa ra những nguyên tắc cơ bản cho cá nhân, tổ chức muốn học theo để xây dựng được các đội nhóm vượt trội của mình.

Đó là: xem công việc như một sứ mệnh thậm chí là một nỗi ám ảnh; đánh giá cao sự phù hợp với văn hóa tổ chức; tập trung theo đuổi một số ưu tiên quan trọng; nỗ lực tạo ra một nền văn hóa vừa cứng rắn vừa mềm mỏng; tôn trọng xung đột và cảm thấy thoải mái trong sự thiếu thoải mái.

Đây cũng chính là nội dung của 5/7 chương chủ đề trong cuốn sách dài 284 trang do Công ty Cổ phần Văn hóa & Giáo dục Tân Việt và Nhà xuất bản Dân trí liên kết phát hành.

Làm việc nhóm để thúc đẩy hiệu quả hoạt động của tổ chức

Mô hình làm việc nhóm có mặt trong hầu hết các công ty, được mọi nhà quản trị yêu thích, tuy nhiên thật không đơn giản khi thực tế cho thấy để thiết kế đội nhóm cần sự sáng tạo, duy trì đội nhóm cần sự cam kết, phối hợp cần chung một mục tiêu, hiệu suất cần theo sát, động lực cần tạo ra đồng đều.

Robert Bruce Shaw đi từ thực tế những mô hình đội nhóm thành công của các công ty tân tiến (cách gọi để phân biệt với các công ty truyền thống vận hành theo kiểu cũ) như Whole foods và Pixar và rút ra những khuyến nghị xây dựng đội nhóm thành công bắt đầu từ việc: bố trí thành viên vào nhóm; hiểu tầm quan trọng của việc tạo ra cảm giác cộng đồng; có các phương pháp kỷ luật để xây dựng nhóm, và liên tục thay đổi nhóm nếu nhóm không tạo ra kết quả.

Những tổng kết của Robert Bruce Shaw thực sự rất cần thiết với ban lãnh đạo công ty, các trưởng nhóm và chuyên gia nhân sự muốn thúc đẩy hiệu quả hoạt động của tổ chức.

Hoạt động đội nhóm luôn hướng đến kết quả được đo lường bằng doanh thu và lợi nhuận, nhưng để có kết quả tốt cần giải quyết được các vẫn đề về quan hệ của chính đội nhóm đó. Giống như tính hai mặt của một đồng xu, các đội nhóm quá gắn bó có thể dẫn đến việc dễ tư duy giống nhau, hạn chế năng lực sáng tạo. Họ tự tin thái quá trong quá trình hành động và ít có xu hướng đánh giá đầy đủ những rủi ro có thể đối mặt trong tương lai. Họ cũng thường né tránh các vấn đề gai góc hoặc gây tranh cãi trong nhóm.

"Nhưng phát hiện thú vị nhất của nghiên cứu chính là mối quan hệ thân thiết giữa các thành viên trong nhóm chỉ gia tăng hiệu suất của nhóm đến một ngưỡng nhất định, sau đó hiệu suất bắt đầu giảm dần" do các mối quan hệ xã hội thân thiết tiêu tốn nhiều thời gian và quan trọng hơn cả là tình cảm thân thiết giữa các thành viên cũng có thể dẫn đến việc mọi người bao che bảo vệ nhau. Tầng lớp C-level không thể bỏ qua những kiến thức nền tảng này trong quá trình xây dựng đội nhóm tại doanh nghiệp của mình.

Các cá nhân cần phù hợp văn hóa tổ chức

Việc đánh giá sự phù hợp của mỗi cá nhân với văn hóa tổ chức giống bộ môn nghệ thuật hơn là bộ môn khoa học.

Đội nhóm tốt sở hữu những thành viên hết lòng tin tưởng vào sứ mệnh và cách thức hoạt động của công ty, cống hiến hết mình trong tập thể. Nhưng mặt trái của câu chuyện thì những người làm việc ăn ý với nhau, có cùng niềm tin giá trị nhưng lại không có chung kỹ năng và năng lực cần thiết sẽ không thể giúp doanh nghiệp giành được chiến thắng trên thương trường.

Vấn đề đặt ra sẽ là bộ tiêu chí nào để tìm kiếm những cá nhân có năng lực mà vẫn phù hợp với văn hóa tổ chức?

______________________________

 

Một nhóm đạt được sự phù hợp văn hóa là khi các thành viên trong nhóm bù trừ cho nhau, phát triển được tình cảm tích cực và phát huy hết giá trị của nhóm.

Robert Bruce Shaw -

______________________________

Vấn đề này cũng được làm rõ trong cuốn sách. Theo Robert Bruce Shaw, sự phù hợp với văn hóa được đánh giá ở ba yếu tố: mỗi thành viên phải thấm nhuần mục đích cao cả của nhóm; giá trị mà nhóm đặt lên kết quả và giá trị mà nhóm đặt lên các mối quan hệ. Một nhóm đạt được sự phù hợp văn hóa là khi các thành viên trong nhóm bù trừ cho nhau, phát triển được tình cảm tích cực và phát huy hết giá trị của nhóm.

Các thành viên biết rõ công ty mong đợi gì ở họ, họ biết điều gì nên làm, điều gì không nên làm, điều gì được coi trọng và điều gì bị cấm kỵ. Văn hóa thẩm thấu và gắn kết đội nhóm một cách rất tự nhiên.

Giá trị kỷ luật và xung đột lành mạnh

Một khuyến nghị quan trọng khác tác giả đưa ra trong cuốn sách chính là cách thức mấu chốt để duy trì và vận hành các đội nhóm – thúc đẩy xung đột lành mạnh. Đây cũng là điều các nhà quản lý khá quan tâm.

Tác giả khẳng định, tôn trọng tính cách cá nhân nhưng ràng buộc bằng kỷ luật là sức mạnh của các đội nhóm tuyệt đỉnh. Các công ty tân tiến khuyến khích các thành viên trong nhóm xung đột lành mạnh và tạo ra một kết quả tốt đẹp.

“Đội nhóm tuyệt đỉnh” - Học cách xây dựng đội nhóm từ Pixar, Netflix, Airbnb ảnh 3

Từ góc độ của một người làm việc nhóm, bạn dường như cũng tìm được trong cuốn sách lời khuyên hữu ích trong việc góp phần duy trì nhóm làm việc cũng như nâng cao hiệu quả của nhóm làm việc.

Đó là: Bạn phải đưa quan điểm trung thực của mình về các quyết định mà nhóm phải đối mặt và đưa ra các khuyến nghị rõ ràng giúp nhóm tiến lên phía trước, nếu không làm được như vậy, bạn không phải là một thành viên của nhóm. Bạn phải hoạt động theo phương thức hợp tác cao và hỗ trợ đồng nghiệp của mình, nếu không làm được như vậy, thì bạn không có tinh thần làm việc nhóm. Đây là một dạng ràng buộc kép.

"Đội nhóm tuyệt đỉnh" miêu tả cách các công ty tân tiến thúc đẩy những giới hạn về đội nhóm. Một nghiên cứu thú vị về sự đổi mới, minh họa sống động cho tương lai làm việc đội nhóm. Cuốn sách đáng đọc đối với nhà lãnh đạo mong muốn bồi dưỡng năng lực làm việc đội nhóm vượt trội trong tổ chức của mình.

Linda P. Hudson - Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Cardea

Mọi người tiến tới xung đột chứ không phải né tránh nó. Hãy luôn nghĩ rằng ý tưởng và người đề xuất ý tưởng là hai thực thể riêng biệt. Hãy đánh giá ý tưởng một cách công tâm và khách quan thay vì công kích vào cá nhân. Hãy hiểu rằng bất đồng là cần thiết và hữu ích, kẻ thù của hiệu suất cao không phải là xung đột mà là sự tự mãn. Nhóm xuất sắc nhất là những nhóm được hưởng lợi từ kiến thức chung của các thành viên trong nhóm.

Các nhóm tân tiến rất giỏi tạo ra một môi trường khiến mọi người cảm thấy an toàn khi thể hiện bản thân cũng như niềm tin của họ”, Robert Bruce Shaw viết.

Nhận xét về cuốn sách, Linda P. Hudson – Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Cardea viết: “Đội nhóm tuyệt đỉnh miêu tả cách các công ty tân tiến thúc đẩy những giới hạn về đội nhóm. Một nghiên cứu thú vị về sự đổi mới, minh họa sống động cho tương lai làm việc đội nhóm. Cuốn sách đáng đọc đối với nhà lãnh đạo mong muốn bồi dưỡng năng lực làm việc đội nhóm vượt trội trong tổ chức của mình”.

***

Cuốn sách đầy ắp những gợi ý thiết thực này thực sự hữu ích cho những ai muốn vượt qua các cách tiếp cận đội nhóm truyền thống, xây dựng đội nhóm hiện đại và có khả năng trở thành vĩ đại.

Theo: Báo Nhân Dân

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết