Những vấn đề của thơ Việt qua

Những vấn đề của thơ Việt qua "Đối thoại văn chương"

Trần Huế
Thứ Hai, 19/02/2024
Nội dung bài viết

“Đối thoại văn chương” là tác phẩm luận về thơ bằng văn xuôi do nhà thơ, nhà nghiên cứu lịch sử văn học Trần Nhuận Minh thực hiện với nhà thơ, nhà phê bình văn học Nguyễn Đức Tùng.

Đây là hai tác giả, hai nhà phê bình và nghiên cứu văn học và lịch sử. Tác giả Trần Nhuận Minh là anh ruột nhà thơ Trần Đăng Khoa và là nhà thơ nổi tiếng của giai đoạn đất nước đổi mới, từng được Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật, còn Nguyễn Đức Tùng là một nhà thơ, nhà phê bình sống ở Canada, từng xuất bản nhiều tập thơ, sách, trong đó được biết đến nhiều nhất là cuốn Thơ đến từ đâu.

Sách Đối thoại văn chương. Ảnh: T.V.

Cuốn từ điển về thơ

Khác với hình thức phê bình lý luận văn học thường thấy, Đối thoại văn chương là một cuộc trò chuyện, đối thoại giữa hai tác giả trong suốt 9 tháng trời. Sách được chia thành 9 chương tương ứng với 9 tháng trao đổi trực tiếp, qua Internet, thư từ... từ tháng 1 và kết thúc vào cuối tháng 9/2011.

Ý tưởng thực hiện cuốn sách này xuất phát từ cuộc gặp gỡ thơ ca giữa Trần Nhuận Minh và nhà thơ Nguyễn Đức Tùng ở Canada. Trong cuộc gặp này, hai ông đã có những trao đổi về thơ, và Nguyễn Đức Tùng muốn đưa cuộc trò chuyện thành một phần nội dung của cuốn sách mà ông đang thực hiện.

Nội dung đó sau được phát triển, dự định thành một cuốn sách riêng dày 200 trang. Tuy nhiên, do chưa thấy thỏa đáng với chừng ấy thông tin, tranh luận, hai ông đã thống nhất phát triển thêm nữa các nội dung trao đổi, cố gắng đẩy tới cùng giới hạn cần thiết của nó, và tập bản thảo được hoàn thành sau 9 tháng trời làm việc liên tục.

Trong cuốn sách, bằng hiểu biết và sự nghiên cứu chuyên sâu của mình, hai tác giả đã đưa ra nhiều câu chuyện thú vị trong văn học trong nước và thế giới. Bên cạnh đó còn có cả những chi tiết nhân văn trong cuộc sống đời thường của nhà thơ Trần Nhuận Minh.

Với 265 câu hỏi - câu trả lời kéo dài, cuộc đối thoại giữa hai nhà thơ đi từ những cảm xúc khi sáng tác, đề tài, bình phẩm thơ hay - thơ dở, thơ theo từng vùng miền, đến tính chất và đặc điểm của từng thể loại thơ. Tất cả đều được hai ông đề cập một cách thấu đáo nhưng không kém phần dí dỏm. Bởi thế bạn đọc yêu thơ, những người muốn nhập cuộc thơ đều có thể coi đây là “cẩm nang nghề nghiệp” hoặc “cuốn từ điển về thơ”.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh. Nguồn: baohaiduong.

Một người yêu thơ da diết

Mở đầu tác phẩm, nhà thơ Trần Nhuận Minh cho rằng thơ là sự tương ứng giữa ý và lời. Lời và ý song song nhau, lời hết ý cũng hết là thơ trung bình. Còn khi lời hết mà ý vẫn còn, ý tràn ra cả ngoài lời là thơ hay. Có thơ hay của một nhà, có thơ hay của một thời, có thơ hay của nhiều thời, và lại có thơ hay của tất cả mọi thời.

Đáng chú ý là cuộc đối thoại của hai nhà thơ này đi sâu vào bình phẩm, đưa ra ý kiến về thơ tự do và thơ thế sự. Cùng đó, nhiều câu chuyện đời tương đối riêng tư liên quan đến thơ của Trần Nhuận Minh cho ta thấy ông yêu thơ da diết.

Chẳng hạn chuyện ông đi tìm bài thơ Ngự chế Thiên Nam động chủ đề của Lê Thánh Tông trên vách đá núi Truyền Đăng viết tháng 2 năm Quang Thuận thứ 9 (tháng 3/1468). Do sự kiện này mà nhân dân đã đổi tên núi Truyền Đăng thành núi Bài Thơ.

Hàng năm, Ngày thơ Việt Nam là một sự kiện văn hóa quan trọng được nhiều người yêu thích, được Hội Nhà văn Việt Nam và ngành Văn hóa tổ chức sôi nổi trên cả nước vào dịp tết Nguyên tiêu hàng năm. Riêng ở Hạ Long có Đường Lê Thánh Tông một con đường đẹp nhất thành phố, dài hơn 8 km, chạy từ bến phà Hồng Gai cũ, lượn bên chân núi Bài Thơ di tích và danh thắng, đến tận Cầu Trắng, Cột 8.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh chính là người đề xuất tên đường này, cũng là người đề xuất xây dựng Văn Miếu Bài Thơcó tượng thờ Lê Thánh Tông để tôn vinh sự học và người tài (nay là Khu Văn hóa Núi Bài Thơ).

Từ những trao qua đổi lại giữa hai tác giả, chúng ta còn biết thêm nhiều chuyện “động trời” khác, như chuyện chiếm đoạt ngôi nhà cũ của đại thi hào Nguyễn Du để làm nhà trẻ, chuyện khu lăng mộ các vua Trần ở Đông Triều, Quảng Ninh bị tàn phá đến hai lần (từ tư liệu cung cấp của một lãnh đạo địa phương), đến ngôi mộ tổ của họ Trần Điền Trì (cũng là cụ tổ trực hệ của 2 anh em nhà thơ Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa).

Đáng chú ý hơn nữa, bên cạnh cuộc đối thoại về “nghề”, cuốn sách Đối thoại văn chương còn bật mí chuyện đời tư của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Ông kể: Năm 1959 dân làng ông bị đói, cái gì cũng ăn. Ví như lá sắn, lá sung, củ chuối, gốc rau muống, lá và thân cây đu đủ đều đem luộc, ăn tất. Làng cứ nháo nhác cả lên.

Ông cũng kể về nhà thơ Trần Đăng Khoa như sau: “Năm ấy, chú Khoa một tuổi, cũng bị đói rồi lả đi, tôi lay mãi vẫn bất động. Tôi kêu lên. Mẹ tôi vừa đi làm đồng về, òa khóc. Anh Luận, hàng xóm liền nhà, dứt một sợi tóc của Khoa đặt ngang lỗ mũi không thấy sợi tóc lay động, bèn kêu to lên là thằng cu đã chết rồi. Anh lấy cái chiếu võng, bó Khoa tròn lại, rồi buộc rất chặt ba nút lạt, pha ra từ một cây tre non, chuẩn bị đem chôn, vì sợ lây, nhưng mẹ tôi bảo chờ chút đã…”.

Có thể nói, Đối thoại văn chương là sách của hai tác giả, nhưng chủ yếu nói về nhà thơ Trần Nhuận Minh. Trong sách, nhà thơ Trần Nhuận Minh còn bật mí những điều ít biết và rất thú vị về nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương. Về văn học thế giới thì ông đưa ra những phân tích về Hồng Lâu Mộng.

Cuốn sách Đối thoại văn chương nằm trong bộ ba tác phẩm của nhà thơ Trần Nhuận Minh (cùng hai tác phẩm Thời gian lên tiếng, Đi tìm sự thật) đã đạt được Giải thưởng Đào Tấn năm 2023 của Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc.

Theo Znews.

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết