Phản ứng của Jackie trước tin đồn tình cảm của John F. Kennedy

Phản ứng của Jackie trước tin đồn tình cảm của John F. Kennedy

Trần Huế
Thứ Bảy, 03/02/2024
Nội dung bài viết

Jackie tức giận và không thích thú gì, nhưng có vẻ bà lựa chọn cách chung sống với nó.

Tin đồn về mối quan hệ của Kennedy và Monroe đã đe dọa trở thành một vụ bê bối đối với Nhà Trắng. Nguồn: people.

Nếu Kennedy bận tâm đến những cảm xúc của Jackie, thì bà đã giúp ông giảm thiểu chúng bằng cách kín đáo tránh đối đầu trực tiếp về tính đào hoa của ông. Nhưng bà không ảo tưởng về hành vi của chồng mình.

Vào cuối chuyến thăm Canada năm 1961, khi Tổng thống và Jackie đang tạm biệt đám đông, trong đó có một “cô gái tóc vàng bốc lửa”, như Tướng Godfrey McHugh đã mô tả về cô ta, Jackie “quay đi trong cơn giận dữ” và nói bằng tiếng Pháp với McHugh và Dave Powers đang đứng ngay sau lưng bà, “Các người dẫn người phụ nữ này tới cho chồng tôi còn chưa đủ tệ hay sao, mà lại xúc phạm tôi bằng việc yêu cầu tôi phải bắt tay cô ta!”.

Một ngày nọ, khi bà đi dạo cùng một nhà báo đến từ Paris trong khuôn viên Nhà Trắng, bà đã nói với nhà báo bằng tiếng Pháp, khi họ đi ngang qua Fiddle: “Đây là cô gái bị nghi ngờ là đã ngủ với chồng tôi”. Jackie biết rằng mình sẽ không gây sốc cho một người Pháp sành sỏi, nhưng anh ta đã nói với một trợ lý của Salinger, “Chuyện gì đang xảy ra ở đây vậy?”.

Cách phản ứng của Jackie giống với cách Rose phủ nhận các mối quan hệ ngoài luồng của Joe và tránh đối đầu với ông. Jackie đã lưu ý để các nhân viên của Kennedy biết về việc vắng mặt và quay trở về Nhà Trắng của mình, như vậy, Tổng thống có thể kịp đưa “bạn” của mình ra ngoài. Điều này không có nghĩa là Jackie đồng ý với các mối quan hệ trăng hoa của chồng mình. Điều đó rõ ràng khiến bà tức giận và không thích thú gì, nhưng có vẻ bà lựa chọn cách chung sống với nó.

Liệu đời sống riêng tư của Kennedy có đặt ông vào tình thế nguy hiểm về chính trị hay không? Ông không nghĩ như vậy. Vào năm 1962, ông tiếp tục thừa nhận rằng trong khi một số tờ báo và tạp chí lá cải có thể đăng lời đàm tiếu về đời sống riêng tư của ông, thì báo chí chính thống vẫn giữ thái độ chừng mực khi tranh luận về cuộc sống riêng tư của Tổng thống.

Kennedy cũng gửi đi một thông điệp rằng báo giới nên thận trọng. Vào tháng 2 năm 1962, tờ Time đã có một bài báo, trong đó đưa ra các dẫn chứng trích dẫn từ câu chuyện trang bìa của tạp chí Gentlemen’s Quarterly về Tổng thống. Kennedy cho gọi phóng viên Hugh Sidey của tờ Time tới Nhà Trắng. Ông nói một cách đe dọa: “Tôi rất mệt mỏi với chuyện này. Tất cả đều là giả dối, anh đang cố làm gì với tôi vậy? Anh có biết mình đang làm gì không?”. Kennedy buộc Sidey phải hứa thu hồi bài báo của mình.

Tương tự, vào tháng 5 năm 1962, sau khi nữ minh tinh nổi tiếng Marilyn Monroe xuất hiện nổi bật tại tiệc sinh nhật lần thứ 45 của Kennedy ở Madison Square Garden trong bộ trang phục bó sát màu ánh bạc, tin đồn về mối quan hệ của Kennedy và Monroe đã đe dọa trở thành một vụ bê bối đối với Nhà Trắng.

Kennedy quyết định tranh thủ sự ủng hộ của một cựu phóng viên ở New York, người từng là thành viên của nhóm tranh cử của ông. Ông yêu cầu anh ta giúp đỡ để nói với các nhà báo rằng câu chuyện về ông và Marilyn Monroe đơn giản là không có thật.

Kennedy cũng tin rằng các phóng viên có cảm tình với ông và sẽ e ngại phải làm xấu mặt ông khi đăng tải các thông tin về đời tư của ông. Dĩ nhiên, ông hiểu rằng mối quan hệ của một tổng thống với báo chí luôn đối nghịch ở một mức độ nào đó. Nhưng trong suốt sự nghiệp chính trị và thậm chí cả khi Kennedy mới bắt đầu triển khai chiến dịch tranh cử, ông đã rất gần gũi với báo chí và tạo ra mối quan hệ mà các phóng viên không thích phá hoại.

Sự thông minh và lanh lợi của Kennedy đã xoa dịu được các nhà báo, những người từng phân vân trước các bài phát biểu đa ý nghĩa của ông. Hai chương trình truyền hình đặc biệt ghi lại một ngày làm việc của Tổng thống đã đem đến cho người dân Mỹ một cái nhìn chưa từng có về Tổng thống Kennedy trong thời gian làm việc.

Vào tháng 2 năm 1962, một chuyến viếng thăm khu làm việc ở Nhà Trắng do Jackie hướng dẫn đã khôi phục mối quan tâm và thiện cảm của giới báo chí với gia đình Kennedy và làm cho nó không giống với những gì mà các nhà báo đã cố phủ nhận hình ảnh hấp dẫn của JFK như là một người đàn ông của gia đình.

Sự nổi tiếng của Kennedy với báo chí và công chúng một phần cũng là do ánh hào quang mà ông và Jackie mang đến cho Nhà Trắng. Dù hầu hết người Mỹ không nghĩ rằng mình được thừa hưởng nền văn hóa học thức cao, họ vẫn coi Tổng thống và Đệ nhất phu nhân là các quý tộc Mỹ. Hình mẫu của họ nổi bật trong các buổi dạ hội ở Nhà Trắng, Tổng thống trong bộ lễ phục trắng thắt nơ, áo đuôi tôm dài và Đệ nhất phu nhân trong các bộ đồ sành điệu nhất.

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết