Thấy gì từ những thành phố biến mất trong quá khứ?

Thấy gì từ những thành phố biến mất trong quá khứ?

Linh Linh
Thứ Năm, 05/01/2023
Nội dung bài viết

Trong lịch sử, có những thành phố đã ra đời, phát triển rực rỡ, rồi sụp đổ. Sự biến mất của những thành phố ấy mang đến nhiều câu hỏi cho các thế hệ sau muốn tìm hiểu về lịch sử cũng như dự đoán về số phận của các thành phố hiện tại. Cuốn sách “Bốn thành phố biến mất - Lịch sử bí ẩn về kỉ nguyên đô thị” góp phần mang đến những giải đáp qua hành trình tìm vào quá khứ bị lãng quên.

Cư dân của những thành phố này đã sinh sống như thế nào? Họ đã sáng tạo ra văn hóa gì? Nguyên nhân nào khiến thành phố phát triển và rồi lại bị vùi lấp? Sau khi rời khỏi thành phố, người dân từng sống ở đó đi đâu? Những thành phố đã sụp đổ và biến mất ấy để lại những di tích gì và những mảnh vụn đó đắp nặn lại lịch sử như thế nào?...

Dùng ngôn ngữ kể chuyện để dẫn dắt độc giả đi vào hành trình tìm kiếm câu trả lời cho những bí mật về diện mạo thật sự của các thành phố xưa cũ, Çatalhöyük, Pompeii, Angkor, Cahokia là 4 thành phố được nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz “điểm danh” trong cuốn sách này.

Çatalhöyük là thành phố xuất hiện sớm nhất thế giới, được thành lập cách đây khoảng 9.000 năm trong thời đại đồ đá mới. Ngày nay, những tàn tích bí ẩn của thành phố bị chôn vùi bên dưới hai ngọn đồi thấp ở vùng Anatolia, miền Trung của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo tác giả, với dân số dao động từ 5.000-20.000 trong khoảng một thiên niên kỷ, Çatalhöyük có thể từng là một siêu đô thị, vì hầu hết những người sống trong khu vực này vào thời điểm đó chưa bao giờ thấy một khu định cư nào có dân số nhiều hơn 200 người.

Thành phố tiếp theo mà cuốn sách đưa độc giả vào hành trình khám phá là Pompeii, khu vườn địa đàng của nền văn minh châu Âu, nơi từng là thành phố du lịch của La Mã bên bờ biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, các nhân chứng và nhà sử học đã ghi lại thảm họa thành phố Pompeii bị chôn vùi dưới lớp tro núi lửa sau khi núi Vesuvius phun trào vào năm 79 sau Công nguyên. Mãi cho đến thế kỷ XVIII, Pompeii mới được khai quật một cách có hệ thống. Hiện tại, Pompeii là phế tích thành cổ thuộc thành phố Pompei hiện đại, vùng Campania, Italia.

Ở châu Á, Angkor từng tự hào là thành phố đông dân nhất thế giới vào thời kỳ vàng son với dân số gần 1 triệu người. Các nhà vua của đế quốc Khmer (Campuchia ngày nay) đã cho xây dựng cung điện, đền thờ, đường sá, những hồ chứa nước lớn, nổi bật trong số đó là hai hồ chứa nước khổng lồ Đông Baray và Tây Baray. Quần thể Angkor Thom và Angkor Wat cũng là những tuyệt tác kiến trúc ra đời trong thời kỳ đế quốc Khmer tồn tại.

Trong khi đó, Cahokia là thành phố lớn nhất ở Bắc Mỹ trước khi người châu Âu đổ bộ. Từ năm 900 đến 1300, Cahokia là trung tâm của văn hóa Mississippi, nền văn hóa đã gắn kết các thị trấn và làng mạc nằm dọc theo con sông lớn từ Wisconsin đến Louisiana, Hoa Kỳ ngày nay. Bắt nguồn từ một ngôi làng nhỏ ven sông ở hạ lưu sông Mississippi, Cahokia trở thành một đô thị rộng lớn với hơn 30.000 dân định cư ở hai bên bờ sông. Người dân nơi đây đã xây dựng các kim tự tháp bằng đất chọc trời và các lối đi ở trên cao.

Viết về 4 thành phố đã biến mất, tác giả Annalee Newitz đã tiến hành các nghiên cứu kỹ lưỡng, gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ để tìm hiểu về những bi kịch và sự diệt vong trong quá khứ của các thành phố cổ đại này. Theo dấu sự phát triển ban đầu của quy hoạch đô thị, tác giả cũng giới thiệu về những người lao động vô danh - nô lệ, phụ nữ, người nhập cư và người lao động chân tay. Chính họ là người đã xây dựng nên các thành phố này và tạo nên những di tích tồn tại hàng thiên niên kỷ.

Các đô thị hiện đại không bao giờ có thể tồn tại mãi mãi và nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy, con người đã chọn cách rời bỏ các thành phố vô số lần trong hàng nghìn năm qua.

Đưa độc giả bước vào hành trình khám phá sự biến mất của 4 thành phố, tác giả mong muốn qua đó giúp người đọc nhìn thấy trước tương lai về cuộc sống tại thành phố của phần lớn người dân trên trái đất. Và hy vọng rằng, những câu chuyện lịch sử sâu sắc trong cuốn sách có thể cho độc giả thấy cần phải làm những gì để hồi sinh một thành phố và môi trường tự nhiên xung quanh.

Cuốn sách do Tân Việt Books và Nhà Xuất bản Dân Trí liên kết xuất bản.

Annalee Newitz là một nhà báo, biên tập viên người Mỹ. Bên cạnh các bài viết đăng trên nhiều thời báo và tạp chí như New York Times, Wired, Popular Science, New Yorker, Atlantic, Slate, Washington Post, Smithsonian Magazine…, ông còn là tác giả của cả tiểu thuyết và sách phi hư cấu về sự giao thoa giữa khoa học, công nghệ, văn hóa. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng uy tín.

Theo: Báo Hà Nội Mới

Viết bình luận của bạn

BÌNH LUẬN, HỎI ĐÁP

Nội dung bài viết